Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai của cả nước năm 2019 tại Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT ngày 22/7/2021.
Theo Quyết định kết quả kiểm kê diện tích đất đai của cả nước năm 2019 (tính đến ngày 31/12/2019): Tổng diện tích tự nhiên là 33.131.713 ha, bao gồm: Diện tích nhóm đất nông nghiệp: 27.986.390 ha; Diện tích nhóm đất phi nông nghiệp: 3.914.508 ha; Diện tích nhóm đất chưa sử dụng: 1.230.815 ha.
Diện tích chi tiết từng loại đất, từng loại đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý được thể hiện trong biểu hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo Quyết định này.
Số liệu kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 được sử dụng thống nhất trong cả nước. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.
Trước đó, tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (hiện là Nguyên Phó Thủ tướng) đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, công bố số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 trước quý II/2021.
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý Đất đai, nguyên nhân kiểm kê diện tích đất đai chậm là do các địa phương chậm phê duyệt dự toán kinh phí; nhiều địa phương có khó khăn về kinh phí và chờ kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên chưa phê duyệt dự toán, dẫn tới việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện chậm trễ; việc bố trí kinh phí nâng cấp phần mềm kiểm kê còn thiếu, còn chậm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021 nên ảnh hưởng tới tiến độ công tác này.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khách quan khác là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thực hiện ở các địa phương bị chậm, nhất là công tác thực hiện tại cấp huyện, tỉnh do chưa thể đi đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm.
Theo chuyên gia chính sách đất đai PGS-TS Trần Thị Minh Châu - Học viện Chính trị Quốc gia, việc kiểm tra đất đai là cơ sở thông tin để thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và chiến lược 10 năm. Do đó, việc chậm kiểm tra đất đai sẽ kéo theo chậm tiến độ xây dựng kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm cũng như quy hoạch sử dụng đất.
Có thể bạn quan tâm