“Bỏ trần” giờ làm thêm và giới hạn năng suất lao động

NGUYỄN VIỆT 23/12/2021 03:41

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất không áp dụng giới hạn giờ làm thêm mỗi tháng (40 giờ) và tăng tối đa thời gian làm thêm lên 300 giờ/năm là cần thiết.

>>Doanh nghiệp lo ngại về “giới hạn làm thêm giờ”

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó đưa ra nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp sau đợt dịch kéo dài.

làm thêm giờ là cần thiết, nhất là với doanh nghiệp phía Nam khi chỉ khoảng 40% lao động muốn ở lại thành phố sau dịch.

Làm thêm giờ là cần thiết, nhất là với doanh nghiệp phía Nam khi chỉ khoảng 40% lao động muốn ở lại thành phố sau dịch.

Trong đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ rà soát các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng nếu có sự thỏa thuận giữa lao động và chủ sử dụng, đảm bảo không vượt quá 300 giờ trong năm và không giới hạn nhóm ngành nghề, công việc...

Đánh giá về đề xuất này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng do đại dịch COVID-19, người lao động rất khó khăn nên đã phải nhận hỗ trợ từ Nhà nước hay mới đây là gói 30.000 tỉ trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

"Chủ sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp, giảm lợi nhuận để tăng tiền lương, phụ cấp làm thêm giờ cho người lao động để họ có điều kiện bồi bổ sức khỏe, tạo cơ hội làm việc, thúc đẩy năng suất lao động. Người lao động cũng cần chia sẻ với người sử dụng lao động", ông Lợi nhấn mạnh.

>>Ông Đỗ Cao Bảo: Làm thêm giờ là quyền của người lao động

Ông Lợi cho biết thêm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến khích kéo dài thời gian làm thêm nhưng phải đảm bảo phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vì nếu người lao động tăng thu nhập mà ảnh hưởng sức khỏe thì không có ý nghĩa.

"Việt Nam tham gia ký kết các công ước quốc tế thì phải tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế nhưng có thể xem xét trong hoàn cảnh nhất định. Tuy vậy, tiền lương làm thêm của người lao động phải cao hơn, cao hơn rất nhiều so với mức lương tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần chú trọng biện pháp tăng năng suất lao động hơn là tăng thời gian lao động", ông Lợi nói.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), suốt 2 tháng qua, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" do nhiều tỉnh thành thực hiện chỉ thị 16. 

đây là thời điểm doanh nghiệp cần tăng tốc để đảm bảo đơn hàng giao đúng hạn, lấy lại uy tín với đối tác.

Đây là thời điểm doanh nghiệp cần tăng tốc để đảm bảo đơn hàng giao đúng hạn, lấy lại uy tín với đối tác.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng. Do vậy, VASEP đề nghị sớm bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng, tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất để đảm bảo bù đắp thiếu hụt lao động trầm trọng vì dịch COVID-19 gây ra. 

Đồng tình tăng giờ làm thêm sau đại dịch, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm doanh nghiệp cần tăng tốc để đảm bảo đơn hàng giao đúng hạn, lấy lại uy tín với đối tác.

>>ILO: Người lao động trong 97% nhà máy dệt may tự nguyện làm thêm giờ

Một bộ phận người lao động có thể sẵn sàng tăng ca để tăng thu nhập bù đắp cho phần thâm hụt vừa qua, đặc biệt là Tết sắp đến. Một số nhà máy vì dịch bệnh nên chưa sử dụng hết quỹ thời gian tăng ca trong năm.

“Từ đây đến hết năm 2021, gỡ mức trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng là phù hợp với yêu cầu chống dịch và phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp không bị rào cản pháp luật, chi phí trả cho thời gian tăng ca được hạch toán và tính vào chi phí hợp lý, cũng là một cách thúc đẩy phục hồi sản xuất”, ông Bình nói.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn cũng nhấn mạnh, làm thêm giờ là cần thiết, nhất là với doanh nghiệp phía Nam khi chỉ khoảng 40% lao động muốn ở lại thành phố sau dịch. Song đây là giải pháp tạm thời nên cũng không thể kéo dài quá lâu.

“Muốn phục hồi sản xuất phải tính toán tổng thể, như năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc, thậm chí chia sẻ đơn hàng với vùng không có dịch”, ông Tiến bày tỏ.

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.

Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Đồng thời, đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.

Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa… Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó là các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp lo ngại về “giới hạn làm thêm giờ”

    16:20, 07/10/2021

  • Ông Đỗ Cao Bảo: Làm thêm giờ là quyền của người lao động

    15:10, 28/10/2019

  • ILO: Người lao động trong 97% nhà máy dệt may tự nguyện làm thêm giờ

    16:05, 25/10/2019

  • Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Trẻ em 15 tuổi có thể được làm thêm giờ!

    11:00, 01/05/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bỏ trần” giờ làm thêm và giới hạn năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO