Giải trình trước Quốc hội chiều nay (29/10), Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trước đây kế hoạch đầu tư công còn dàn trải.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, kế hoạch đầu tư quyết định ồ ạt, sau mới đi xin vốn, không đủ vốn phải xin ứng trước gây kéo dài dự án, nợ đọng không hiệu quả…
Có thể bạn quan tâm
10:13, 29/10/2018
11:01, 29/10/2018
05:15, 29/10/2018
13:19, 29/10/2018
11:42, 29/10/2018
Vẫn còn tình trạng dự án chậm triển khai
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là hiện tượng của giai đoạn trước và giai đoạn 2016-2020 đang phải xử lý. "Luật đầu tư công đã ban hành để khắc phục tình trạng này, giảm thiếu được sự dàn trải phân tán như giai đoạn trước, tuy chưa triệt để nhưng đã cải thiện rất nhiều". - ông Dũng nói.
Bộ trưởng lấy ví dụ: Giai đoạn 2011-2015 có tới 21.000 dự án đầu tư mới, trong khi giai đoạn 2016-2020 con số chỉ là 9.620, giảm hơn 1 nửa dự án thực thi. Trong số hơn 9.000 dự án này cũng có tới hơn 8.000 dự án là của năm 2011-2015 chuyển qua, dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách của giai đoạn này chỉ là 412 và chiếm chưa tới 4%.
Hiện tại, Chính phủ đang phải lấy vốn này tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hơn 9.000 tỷ đồng, trả nợ giai đoạn trước hơn 50.000 tỷ đồng và vốn cho 8.000 dự án chuyển giao sang giai đoạn 2016-2020 chiếm gần 65% số vốn giai đoạn này. Với số vốn hạn hẹp nhưng nhu cầu của các địa phương rất nhiều, chưa có dư địa để giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại những hạn chế như giao vốn chậm, giải ngân nhiều lần khiến hiệu quả dự án chậm.
Chính phủ đã ban hành các nghị định mới để sửa các nghị định trước đó về công tác đầu tư công trung hạn với phương hướng phân cấp triệt để cho từng địa phương và Bộ ngành đảm bảo quản lý chặt chẽ theo đúng Luật đầu tư công. Các quyết định cũng được công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan các khâu, đoạn phân bổ vốn, đặc biệt là người đứng đầu của các dự án.
“Trước đây nguồn vốn đầu tư công được xây dựng hàng năm nên xảy ra tình trạng ăn đong, xin cho, vốn ít nhưng dự án thì nhiều, dàn trải dẫn đến nợ đọng. Nhưng hiện nay làm theo kế hoạch 5 năm cộng với rà soát hàng năm đã hạn chế rất nhiều tình trạng này. Theo đó, các dự án sẽ được gói gọn trong 5 năm để xem xét có bao nhiêu tiền, từ đó chủ động chọn dự án, sắp xếp ưu tiên, đảm bảo làm dự án nào là phải đủ vốn ngay và làm xong đưa vào khai thác ngay”, Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng thì 5 năm là kế hoạch còn việc chi tiền thì phải cân đối theo số thu ngân sách thực tế hàng năm.
Sẽ khắc phục trong thời gian tới
Bộ trưởng KHĐT cho biết, cán cân ngân sách luôn là bài toán khó để cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư và khả năng ngân sách. Trong tình trạng ngân sách hạn hẹp, ODA giảm, thu hút xã hội còn nhiều khó khăn... không còn dư địa để làm nên Chính phủ đang xem xét kiến nghị Quốc hội cho sử dụng dự phòng để xử lý trong một số trường hợp cấp cách của địa phương. Còn lại một số phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhiệm kỳ tiếp theo.
“Hiện tại, ngân sách đang đáp ứng 53% tổng giá trị nhu cầu của 21 chương trình mục tiêu, dự án quan trọng, trọng điểm”, Bộ trưởng nói và cho hay, việc chậm giao vốn hay giải ngân nhiều lần trong Luật đầu tư công mới chỉ được áp dụng 2 năm nay, nên việc thực hiện còn lúng túng, khó thực hiện.
Luật đầu tư công quy định, khi giao vốn phải đủ thủ tục, vì vậy dẫn tới tình trạng tỉnh nọ chờ tỉnh kia, không đủ thủ tục thì Chính phủ không thể giao kế hoạch vì sẽ vi phạm pháp luật. Tuy tình trạng này vẫn còn nhưng các đơn vị liên quan đã cố gắng cắt giảm và đã thực hiện giao kế hoạch ngay từ đầu năm. “Tuy nhiên, việc giao chi tiết các dự án cho chủ đầu tư, ban quản lý lại bị chậm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng thừa nhận.