Đại biểu chất vấn Bộ trưởng TNMT "Ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm gì với thực trạng đó?".
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đề nghị giải thích về câu nói "thủy điện nhỏ không có lỗi trong đợt bão lũ, sạt lở vừa qua mà do địa chất bị đứt gãy".
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời câu hỏi: "Ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm gì với thực trạng đó?".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ông không nói thủy điện là nguyên nhân hay không phải nguyên nhân. "Tôi nói là con người là nguyên nhân bởi sẽ quyết định thủy điện là thân thiện hay không", Bộ trưởng giãi bày. Tư lệnh ngành dẫn chứng, như ở Na Uy, thủy điện rất nhiều vì tận dụng được thế năng tự nhiên, còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện thì khi đó nguyên nhân là con người.
"Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời", Bộ trưởng Hà nói và khẳng định thủy điện không phải nguyên nhân, mà nguyên nhân là do cách con người khai thác tài nguyên không dựa vào quy luật tự nhiên.
Cũng theo Bộ trưởng, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện, "mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng động vật hoang dã".
Với tư cách là lãnh đạo ngành quản lý môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà soát từng m2 đất nếu chuyển đổi từ rừng tự nhiên hoặc rừng phòng hộ. "Sắp tới, với những nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng phòng hộ, đặc dụng thì phải phục hồi lại rừng đúng với bản chất tự nhiên", Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, Đại biểu đoàn Gia Lai cũng gây chú ý khi là người tranh luận trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Theo đó, Đại biểu Ksor H’ Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng diện tích rừng tăng từ 9 triệu lên 14 triệu ha mà ông Cường cung cấp là con số đáng mừng, nhưng con số này “rất vô lý và có điều gì đó sai sai”.
Nữ đại biểu Gia Lai cho hay mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. “Đó đều là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại tăng lên như Bộ trưởng nói”, nữ đại biểu Gia Lai nhận định.
Về thông tin “hệ số che phủ tăng”, bà Ksor H’ Bơ Khăp phản biện: “Cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng. Nhưng rừng là nơi cây xanh hấp thụ CO2 để thải ra O2, song cây cao su là loại cây ngược lại, hút O2 và thải ra CO2, do vậy không có một con gì có thể sống được trong rừng cây cao su. Mà cây cao su không chỉ là cây trồng ở các dự án ở Tây Nguyên mà còn ở Tây Bắc”.
“Tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh thế nào?”, bà Ksor H’ Bơ Khăp nói.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 06/11/2020
15:43, 04/11/2020
18:56, 02/11/2020
15:52, 02/11/2020
09:15, 02/11/2020
17:15, 31/10/2020