Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đốt ngọn lửa nhỏ để tạo ra ánh lửa hồng!

NGUYỄN VIỆT 08/09/2022 16:18

Có thể khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã trưởng thành từ Nghị quyết 09. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã vươn lên, vượt tầm và đủ sức để tham gia vào “sân chơi” quốc tế.

>>Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 7/9.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam đã vững tin hơn trong môi trường quốc tế. Họ giỏi ngoại ngữ, am hiểu pháp luật quốc tế, đàm phán quốc tế, đồng thời rất giàu lòng tự tin về dân tộc, bản sắc của Việt Nam.

Trưởng thành từ Nghị quyết 09

“Tôi có điều kiện quan sát các cuộc làm việc của một số CEO lớn và nhận thấy, họ rất bản lĩnh, tự tin, chững chạc, điều đặc biệt đây là những doanh nhân tuổi đời còn rất trẻ. Từ đó, có thể khẳng định đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã trưởng thành từ Nghị quyết 09 sau hơn 10 năm thực hiện. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã vươn lên, vượt tầm và đủ sức để làm việc với quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, không “đơn giản” để ký kết được một bản hợp đồng với các doanh nghiệp ở tầm quốc tế, và cũng “không dễ” để “kéo” được nhà đầu tư lớn của thế giới cùng hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Nhưng đến nay đội ngũ doanh nhân của chúng ta đã làm được với kết quả rất đáng ngưỡng mộ.

Đơn cử, với lĩnh vực du lịch trong khi chúng ta còn đang “lúng túng” với việc không có cơ quan đại diện du lịch của Việt Nam ở nước ngoài, thì các doanh nghiệp đã “sẵn sàng” liên kết với nước ngoài đặt văn phòng đại diện.

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng bắt đầu tiệm cận, đầu tư và chuyển hướng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đơn cử, Sun Group, Vingroup hay Novaland khởi đầu bằng bất động sản, sau đó tính toán và dần chuyển hướng làm du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đặc thù của doanh nghiệp du lịch có 70% nguồn nhân lực làm lưu trú, 20% làm lĩnh vực lữ hành, 10% làm dịch vụ khác. Chúng ta nhìn thấy ở đây một vấn đề, đội ngũ doanh nhân Việt Nam bắt đầu tự rèn luyện, tự đào tạo, tự cập nhật kiến thức từ một vấn đề mới để vươn lên đưa du lịch Việt Nam phát triển. Trước đại dịch Covid-19, đóng góp của ngành du lịch chiếm gần 10% GDP cả nước. Vậy, ai đóng góp? Đó chính là doanh nghiệp du lịch.

Qua đây cho thấy, giới doanh nhân đã nỗ lực hoàn thiện, cập nhật kiến thức để vươn lên với tâm thức du lịch mang đậm dấu ấn của văn hoá và dựa trên văn hoá Việt Nam. Nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia khác, chúng ta chưa phải là điểm đến hấp dẫn, nhưng sự hấp dẫn của chúng ta chính là kho tàng văn hoá đồ sộ, đặc sắc, phong phú của nhân dân Việt Nam.

Chính các doanh nghiệp du lịch đã lan toả cái đẹp, hướng du khách đến với cái đẹp, đến các điểm văn hoá. Từ đó, làm giàu thêm văn hoá Việt Nam. “Cho nên, chúng tôi nhận định đội ngũ doanh nhân làm du lịch ngày càng có bước trưởng thành và phát triển đúng như trong tiêu chí của Nghị quyết 09, đó là từng bước góp phần tạo nên một đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực du lịch. Điều này cũng đã thể hiện được tầm vóc và vươn ra sân chơi toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

>>Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

>>Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá

>>Dấu ấn văn hoá người đứng đầu

Đạo đức doanh nhân qua “lăng kính” Covid-19

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Nhìn từ đại dịch Covid-19, văn hoá doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân có ý nghĩa như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đó là sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng dẫn chứng, tại một cuộc họp với Thủ tướng, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ họp bàn để ra được nguồn quỹ vaccine và quỹ đóng góp.

Lúc này, mọi người liên tưởng đến các doanh nghiệp FDI, vì hy vọng đây đều là những “ông lớn”. Nhưng không có “ông” nào chịu mở “hầu bao”. Chỉ có những doanh nghiệp Việt Nam là sẵn sàng bỏ ra tất cả, dù điều kiện kinh tế cũng không phải “khá giả”. Điều đó nói lên cái gì? Đó chính là đạo đức, văn hoá Việt Nam, hay nói cách khác sâu hơn, đó là tư bản dân tộc.

Bộ trưởng nhớ lại cuộc thương thảo với một doanh nghiệp FDI được đánh giá có “tầm cỡ”, nhưng họ đã đặt hết yêu sách này đến yêu sách khác. Trong khi đó, có những doanh nghiệp Việt Nam không “tiếng tăm” trên thương trường đã sẵn sàng bỏ ra vài trăm tỷ đồng để phục vụ cho lợi ích của dân tộc.

Hành động này có tác động gì và mang lại ý nghĩa như thế nào? Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, điều này cho thấy thông qua xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân với hai trụ cột chính, đó là chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội đã góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về tinh thần đạo lý của dân tộc Việt Nam.

“Đây chính là thương hiệu và linh hồn của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, thành đạt của doanh nghiệp cũng là đóng góp để đất nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Bản sắc văn hoá tạo ra thương hiệu

    00:11, 08/09/2022

  • Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

    00:09, 07/09/2022

  • Thời gian "thử thách" với "độ bền" văn hoá

    01:03, 03/09/2022

  • Dấu ấn văn hoá người đứng đầu

    01:15, 31/08/2022

  • Đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp biểu hiện qua “nói đi đôi với làm”

    03:25, 26/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đốt ngọn lửa nhỏ để tạo ra ánh lửa hồng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO