Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việt Nam không bảo hộ sản xuất ô tô trong nước

Thy Hằng 26/02/2018 09:46

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy trong cuộc họp bàn, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP về ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT đang diễn ra sáng nay (26/2).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp về NĐ 116.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa (tới ngày 1/3/2018) là Thông tư 03 có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng bắt tay ngay vào những ngày đầu, tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết, đồng thời yêu cầu tập trung những tồn đọng, vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh để đạt những kết quả về phát triển. Với mục tiêu Chính phủ hành động, liêm chính kiến tạo, lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp để từ đó các Bộ sẽ tổng hợp và giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

“Có những vấn đề, ngay cả vấn đề giấy chứng nhận xe ô tô, đường thử cơ sở sửa chữa bảo hành, vấn đề kiểm tra theo lô, đây là những vấn đề chúng tôi cần lắng nghe thêm để đảm bảo những vấn đề của Chính phủ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.

Bộ trưởng đánh giá Việt Nam là nước đang phát triển, chủ trương thống nhất là hội nhập sâu khu vực và quốc tế. “Song Việt Nam cũng cần có những bước đi của mình, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu xe ô tô sang Việt Nam nhưng cũng phải đảm bảo sản xuất chủ yếu cho thị trường trên 9 triệu dân. Không đặt vấn đề đưa Việt Nam trở thành thị trường ô tô của các hãng, các nước, tuy nhiên chúng tôi sẽ có lựa chọn, không có vấn đề bảo hộ tuyệt đa số với sản xuất trong nước, nhưng cũng cần có quan tâm một mức độ nào đó tới sản xuất trong nước” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, nhìn vào các nhà sản xuất của Toyota, BMW…có thể thấy những chủ trương, chính sách của Việt Nam hiện tạo thuận lợi nhất quán về thể chế và chủ trương để doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ nhận thấy cần lắng nghe thấu đáo hơn để xem xét lại những vấn đề liên quan đến Nghị định 116. Sau đó có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nguyên tắc các chính sách của Việt Nam và các thông lệ của quốc tế.

Lấy ví dụ đơn cử về vấn đề đường thử, Bộ trưởng đặt vấn đề, đường thử của cơ sở sản xuất có cần không? Làm sao kiểm tra xe tạo thuận lợi thông thoáng nhất, giảm thời gian thông quan, chi phí cho doanh nghiệp? Quản lý rủi ro nhưng đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường…đây là yêu cầu của Thủ tướng và cần được thực hiện tuyệt đối.

Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có động thái ngừng nhập khẩu xe vào Việt Nam như Honda và Toyota. Sau đó lần lượt là các hãng xe Ford, Nissan và Mitsubishi cũng thông báo tạm dừng. 

Đến đầu năm 2018, Bộ GTVT ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Dù được kỳ vọng sẽ “cởi nút” cho những vướng mắc của doanh nghiệp từ Nghị định 116, tuy nhiên, Thông tư 03 lại tiếp tục nhận được phản hồi trái ngược từ nhiều doanh nghiệp.

Nói như đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, tính không rõ ràng của Thông tư này đang làm khó nhà nhập khẩu. "Một trong những quan ngại chính là nộp giấy chứng nhận, như ở Mỹ, tôi không biết Bộ Môi trường Mỹ có thẩm quyền để tạo ra giấy chứng nhận nay hay không? Điều này khiến chúng tôi rơi vào tình thế khó khăn. Quy định về đường thử cũng tương tự, đại diện các hãng Ford sẽ hiểu hơn về quy định này, tuy nhiên chúng tôi mong muốn quy định của Chính phủ cần rõ ràng hơn, thống nhất hơn để các nhà nhập khẩu hiểu hơn. Nghị định và thông tư cũng tạo sự khác biệt giữa nhà sản xuất, kinh doanh và nhập ô tô trong nước. Do đó, chúng tôi mong muốn tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại và làm rõ ràng hơn để chúng tôi có thể hiểu hơn, chuẩn bị và thực hiện” - Đại sứ nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng Nghị định 116 cần được tạm hoãn thi hành: "Để doanh nghiệp và chúng tôi có thời gian tham vấn và chuẩn bị cho việc thực hiện, các quy định của Nghị định cần xem xét phù hợp với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việt Nam không bảo hộ sản xuất ô tô trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO