Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu của nước ta là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên tình trạng vaccine vẫn khan hiếm trên toàn cầu.
Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Báo cáo tại phiên họp về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Chúng tôi đã tích cực tiếp cận, trao đổi, đàm phán để có vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 1 loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới.
Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát.
Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú.
Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Thực tế thời gian gần đây, Bắc Ninh, Bắc Giang đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh, thậm chí ở Bắc Giang có ngày lên tới hơn 300 ca, ngày 28/5 là 176 ca. Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch ở tại hai tỉnh.
Cụ thể, trong cách ly, lần đầu tiên áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người, đặc biệt khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ. Bên cạnh đó còn thực hiện giãn cách trong sản xuất, cách ly công nhân trong sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Thứ hai là thay đổi trong cách thức xét nghiệm. Trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian từ 4-6 tiếng), hiện nay chúng ta áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1. Điều này nhằm mục tiêu sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng trên quan điểm "thà nhầm còn hơn bỏ sót".
Thực tế, Bắc Giang đã bắt đầu triển khai phương pháp này, cho kết quả ban đầu rất khả quan. Lượng mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang tăng gấp 2,5 lần so với Đà Nẵng hồi tháng 7-8/2020.
Ngành Y tế cũng tiến tới bước tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm để bảo vệ cho các nhà máy khi quay lại sản xuất đảm bảo an toàn, làm việc bình thường.
Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở. "Đây là vấn đề chúng tôi đã lường trước, khi xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 thì sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Bắc Giang đã hình thành các đơn vị ICU như vậy. Việc điều trị ngay tại tuyến cơ sở đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng tăng hỗ trợ cho khu vực này bằng cách huy động lực lượng lớn cán bộ chuyên môn y tế của các trường Đại học, cao đẳng, học viện y khoa, các bệnh viện trên cả nước tập trung cho Bắc Giang, Bắc Ninh để sớm kiểm soát tốt tình hình dịch ở hai địa bàn. Quan điểm của Bộ Y tế là kiểm soát tốt tình hình dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang nghĩa là cơ bản kiểm soát dịch tốt trên toàn quốc.
Một điểm đặc biệt khác liên quan đến chiến lược vaccine, Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vắc xin về cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh. Điều này góp phần đảm bảo vấn đề an toàn khi trở lại sản xuất bình thường.
Bản tin sáng 29/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm 84 ca. Tính đến 6h ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.594 ca ghi nhận trong nước và 211 trường hợp nhập cảnh. Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
25 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27/4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Từ 29/4 đến nay, Việt Nam thực hiện 1.132.626 xét nghiệm cho 2.106.308 lượt người.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 29/05/2021
00:30, 29/05/2021
04:08, 28/05/2021
04:00, 28/05/2021
01:30, 28/05/2021