“ASEAN luôn hoan nghênh các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 15/10, khi đưa ra bình luận của Việt Nam trước thông tin nhóm các nước đối tác gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia mong muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN trong lĩnh vực tự do trên biển.
Đầu tháng 10 vừa qua, tại Tokyo, Ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã gặp nhau, thảo luận về biện pháp hợp tác song phương và đa phương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang nổi lên cả ở kinh tế và quân sự trong khu vực.
Sự liên kết 4 nước này, hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương” dựa trên sáng kiến của Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, sau đó được đẩy lên thành một mối quan hệ đặc biệt giữa bối cảnh Ần Độ đang căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biên giới còn Australia hối thúc một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc phát sinh virus SARS-CoV-2 làm chao đảo cả thế giới.
Nhật Bản và Mỹ thì gay gắt về hành động đơn phương của Trung Quốc mang tính quân sự tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho rằng đây là cuộc gặp có ý nghĩa về một giá trị bất biến mà Nhật Bản làm chủ đạo.
Hơn thế nữa, Ngoại trưởng Mỹ mong muốn tạo ra một Liên minh các nước dân chủ mới nhằm đối kháng với Trung Quốc, đồng thời cũng mong muốn phát triển một đồng minh đa quốc gia giống như NATO, trong đó bao gồm thêm các nước như Hàn Quốc và Việt Nam.
Như vậy, tân Thủ tướng Suga Yoshihide mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm, đó là xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do.
Đây là lần thứ 2 Ngoại trưởng 4 nước trên gặp nhau. Lần thứ nhất, cuộc gặp này được tổ chức vào tháng 9 năm ngoái tại Mỹ.
Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “ASEAN luôn hoan nghênh các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung”.
Bà Hằng nêu rõ, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đặt nhiệm vụ chính trong năm là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. “Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò Chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài và sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và khu vực, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN và các nước đối tác, cũng là đối tác của ASEAN chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác cần luôn được đề cao.
Có thể nhận thấy, việc Bộ tứ kim cương quy tụ trong thời điểm này là một phản ứng hợp lý nhằm củng cố một mặt trận thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực, bởi thực tế cho thấy sức ảnh hưởng về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới đang ngày một gia tăng đến mức đáng lo ngại.
Cả 4 quốc gia nhóm Quad đều thể hiện quyết tâm thiết lập các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc cho các công nghệ quan trọng, bao gồm công nghệ 5G, các khoáng sản quan trọng và coi đây là ưu tiên an ninh, kinh tế.
Các nước này thời gian qua liên tục bất đồng hoặc đối đầu với Trung Quốc, với Ấn Độ là hai đợt đụng độ với Trung Quốc. Australia đã gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền Biển Đông phi pháp của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Mỹ hiện đang xuất hiện nhiều diễn biến khó lường như việc Tổng thống Donald Trump nhiễm COVID-19 nên Ngoại trưởng Mike Pompeo cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc trấn an và đưa ra các cam kết chắc chắn của Washington để hỗ trợ đồng minh vạch ra đối sách riêng của họ, bất kể ai sẽ bước vào Nhà Trắng vào năm sau.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 07/10/2020
11:30, 16/05/2020
06:00, 14/05/2020
06:00, 13/05/2020
16:40, 12/05/2020