Bộ Tư pháp “gỡ mào” taxi công nghệ

Diendandoanhnghiep.vn Sau Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tư pháp là đơn vị tiếp theo đề nghị bỏ quy định xe công nghệ gắn “mào”.

Đồng thời Bộ Tư pháp yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉnh sửa 7 nội dung trong Dự thảo lần 8, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.

Luật sư Nguyễn Tiến Sơn -  Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định ông rất ủng hộ việc Bộ Tư pháp vừa đề nghị bỏ một số quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô do không có cơ sở khoa học, tạo cơ chế xin - cho. DĐDN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Sơn về vấn đề này.

- Cá nhân ông đánh giá thế nào về những quy định tại Dự thảo lần này về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô của Bộ GTVT?

Trước tiên, tôi ủng hộ quan điểm của VCCI và Bộ Tư Pháp.

Tại Dự thảo này, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục yêu cầu các phương thức kinh doanh theo phương thức kiểu mới phải “đeo mào”. Dự thảo vẫn gom tất cả các phương thức kinh doanh vào một “rọ” và từ nay các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống và phương thức công nghệ, như Grab, FastGo, Be, Vato, Aber, Vinasun, Mai Linh... đều bị coi là taxi, phải hoạt động như taxi và chịu cách quản lý như nhau. Điều này là sai về khái niệm bởi ai cũng biết “vận tải” rộng hơn “taxi” rất nhiều.

Ở dự thảo này cơ quan soạn thảo có xu hướng quản lý theo kiểu lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới, với cách tiếp cận chi phối là chỉ được kinh doanh những gì pháp luật quy định. Không chỉ vậy, “chiếc mào” của taxi trong trường hợp này thể hiện một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách. Tôi không hiểu việc đeo mào cho taxi sẽ có tác dụng gì khi mà chỉ cần nhìn vào APP là người dùng có thể biết được chiếc xe cách minh bao nhiêu km, ai là lái xe, đó là chiếc xe nào?

Tại sao dự thảo lần này không tiếp cận theo hướng cởi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống mà lại “đeo thêm đá” cho taxi công nghệ?

Làm chính sách theo kiểu “dễ cho mình, khó cho người như vậy” chẳng những không thể đáp ứng được mục tiêu quan lý nhà nước mà còn khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí và kéo lùi sự phát triển của các loại hình công nghệ thời 4.0

- Dù đã trải qua hơn 3 năm lấy ý kiến nhưng những tranh cãi xung quanh việc quản lý các phương thức kinh doanh kiểu mới vẫn chưa chấm dứt. Dường như “tư duy” chính sách của chúng ta vẫn chưa tiếp cận được với xu thế mới?

Đúng vậy, “tư duy” chính sách của chúng ta đang không theo kịp cái mới.

Ai cũng biết các mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng nền tảng không chỉ thách thức phương thức kinh doanh truyền thống mà còn thách thức cả công tác quản lý nhà nước nhưng tại sao dự thảo lần này không tiếp cận theo hướng cởi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống mà lại “đeo thêm đá” cho taxi công nghệ? Muốn thuyết phục được dư luận, Bộ GTVT phải giải thích được điều này.

Tương lai, theo hình dung của tôi, là hầu hết các giao dịch hàng ngày của người dân được thực hiện trên điện thoại thông minh. Sản phẩm, dịch vụ ở trên đó. Tiền ở trên đó. Căn cước cá nhân ở trên đó. Kết nối với các cơ quan quản lý về các thủ tục hành chính, các dịch vụ công cũng ở trên đó... Nhiều công việc mà hiện nay con người đang làm sẽ được chuyển cho máy làm, vì máy có thể làm những công việc đó nhanh hơn, rẻ hơn, thậm chí chính xác hơn.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức mạch lạc với câu hỏi: “Mục đích của quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình là gì?” Là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, hay bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống? Nếu câu trả lời là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, các chính sách quản lý nhà nước sẽ mạch lạc, nhất quán. Còn nếu câu trả lời là bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống, các cơ quan quản lý sẽ rất lúng túng, các chính sách rất dễ bị lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối. Về phía doanh nghiệp, ở lĩnh vực nào công nghệ đang được đưa vào một cách mạnh mẽ, doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, tự thay đổi để thích ứng với xu thế công nghệ, hoặc dừng cuộc chơi đúng lúc. Không ai có thể thắng nổi xu thế…

- Vậy theo ông, chúng ta nên quản lý các loại hình công nghệ này thế nào?

Trước tiên, chúng ta phải thay đổi cách nhìn của Grab. Vì sao? Vì nhiều người trong chúng ta đang nhìn nhận Grab như một doanh nghiệp vận tải đơn thuần nhưng thật ra không phải vậy. Tại Việt Nam, Grab là đại diện cho một xu thế kinh doanh hoàn toàn mới. Vậy nên những chính sách mà chúng ta thiết kế và xây dựng hôm nay không đơn thuần dành riêng cho Grab mà là chính sách cho các loại hình kinh doanh mới.

Hôm nay, nếu chúng ta vẫn tiếp tục “gò ép” các phương thức kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ vào khuôn khổ pháp lý dành cho các phương thức kinh doanh truyền thống thì sau này có “doanh nghiệp 4.0” nào dám vào Việt Nam không? Tôi nghĩ là không bởi không một doanh nghiệp nào muốn đầu tư kinh doanh tại một môi trường có quá nhiều rủi ro chính sách.

Do đó, thay vì tìm cách siết chặt các loại hình kinh doanh dựa trên phương thức kinh doanh kiểu mới chúng ta nên gỡ bỏ toàn bộ những điều kiện kinh doanh mang tính chất ràng buộc đối với các phương thức kinh doanh kiểu cũ, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Chúng ta nên tiếp tục tạo điều kiện cho các nền tảng công nghệ, kinh tế 4.0 hay là kinh tế chia sẻ đó, thì họ mới huy động được các phương tiện vận tải không phải là taxi vào mục đích vận tải công cộng, mang lại lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng.

- Về lâu dài, ông có cho rằng Việt Nam cần một đạo luật riêng để quản lý các loại hình kinh tế chia sẻ thưa ông?

Tôi nghĩ không cần một đạo luật riêng nào cho các loại hình kinh tế chia sẻ cả. Chúng ta chỉ cần định danh các hoạt động cho đúng, tuyệt đối không dùng các khái niệm cũ để gọi tên những dịch vụ mới, cũng không “ép” các phương thức kinh doanh kiểu mới vào khuôn khổ pháp lý cũ.

Ngoài ra, cần nhất quán nguyên tắc doanh nghiệp, người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Chúng ta cũng không nên “đẻ” ra thêm các quy định, vì thêm quy định là tạo thêm cơ chế xin-cho.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tư pháp “gỡ mào” taxi công nghệ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714315922 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714315922 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10