Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chính thức cử người vào TP.HCM hỗ trợ, nghiên cứu, thực hiện quy hoạch TP.HCM và TP.Thủ Đức ngay từ đầu.
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, với báo chí về việc Bộ Xây dựng cử người vào TP.HCM nghiên cứu, thực hiện quy hoạch TP.HCM và TP.Thủ Đức.
Bộ hỗ trợ quy hoạch…
Theo Bí thư Nên, sau 70 ngày thành lập, TP.Thủ Đức đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, ổn định tổ chức bộ máy và sắp xếp các cơ sở làm việc nhưng không làm gián đoạn phục vụ người dân.
Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị TP.Thủ Đức phải làm càng sớm càng tốt vấn đề quy hoạch TP.Thủ Đức, trong đó quan trọng là vấn đề quy hoạch, sử dụng đất đai; đồng thời cho biết tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cử người vào cùng với TP.HCM nghiên cứu, thực hiện quy hoạch TP.HCM và TP.Thủ Đức ngay từ đầu. Bên cạnh đó, TP.Thủ Đức phải chuẩn bị ngay các đề xuất kiến nghị về cơ chế đặc thù, nhất là các kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.
Về việc thành lập các đơn vị mới, ông Nên yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc “thành lập khi và chỉ khi thật sự cần thiết”, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tính toán đội ngũ, cơ chế hoạt động… của từng đơn vị.
Liên quan đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị TP.Thủ Đức phải xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, chỉnh đốn, xây dựng Đảng, chú trọng công tác giám sát từ chi bộ, ủy ban kiểm ta, HĐND, mặt trận tổ quốc, thanh tra, công an...
“Chúng ta phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa với các cán bộ khi có thiếu sót do vô ý. Kiên quyết xử lý cán bộ hư hỏng do không học tập, rèn luyện, làm việc không vì lợi ích chung, có dấu hiệu suy thoái” - ông Nên nói.
Cũng theo ông Nên, sứ mệnh của TP.Thủ Đức là rất lớn nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải đổi mới tư duy, phong cách, tâm thế, vượt qua chính mình.
Liên quan tới công tác điều chỉnh quy hoạch, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức, cho biết hiện TP đang điều chỉnh quản lý quy hoạch theo hướng phát huy nguồn lực đất đai để đưa thành phố mới phát triển với hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng hiện đại và đồng bộ.
Theo ông Hiếu, trước tiên TP.Thủ Đức sẽ tập trung giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với các vụ việc ở 3 quận cũ. Trong quá trình đi lên, không chỉ giải quyết vấn đề mới mà còn cả tháo gỡ vấn đề cũ tạo ra dư địa phát triển mới. Ví dụ, giải quyết xong khiếu nại, khiếu kiện sẽ tạo ra dòng chảy các dự án, khiến nguồn lực đem lại rất lớn như tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao” - ông Hiếu nhận định.
… để tạo đà cho TP.Thủ Đức phát triển
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác của UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch năm của TP.Thủ Đức.
Theo đó, tại buổi làm việc với UBND TP.Thủ Đức đề xuất phân cấp cho địa phương được sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do UBND TP.Thủ Đức quản lý dôi dư sau khi sắp xếp. Đồng thời, kiến nghị phân cấp cho UBND TP.Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TP.HCM quản lý nằm trên địa bàn. Dự kiến nguồn thu này được đầu tư cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới.
Qua rà soát, TP.Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng với tổng diện tích 21.520 m2. Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất và thu về khoảng 1.000 tỉ đồng. UBND TP.Thủ Đức cũng kiến nghị phân cấp để lại 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để có thêm nguồn thu phát triển; đề xuất tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết ngân sách được hưởng từ 18% lên 23% đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (dự kiến khoảng gần 1.300 tỉ đồng trong 5 năm).
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết: “TP.HCM đã giao Sở KH-ĐT phối hợp xây dựng các cơ chế đặc thù, đồng thời yêu cầu TP.Thủ Đức chủ động đề xuất, những vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì báo cáo UBND TP.HCM". Ông Phong cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế đặc thù để đến tháng 7.2021, khi Quốc hội khóa mới hoạt động, sẽ đăng ký chương trình làm việc.
Có thể bạn quan tâm
17:49, 27/03/2021
13:22, 24/03/2021
15:32, 19/03/2021
11:00, 29/01/2021
11:32, 22/01/2021
06:00, 22/01/2021
05:41, 22/01/2021
07:00, 14/01/2021