"Bơm" tiền mặt cho dân - Giải pháp cấp thiết trong đại dịch

DIỄM NGỌC 17/09/2021 05:30

Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm đồng tác giả, qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện.

Ưu điểm từ hỗ trợ tiền mặt

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng, khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện (ảnh: Internet)

Qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện (ảnh: Internet)

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), trong 8 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Trong khi đó, thống kê mới cập nhật đến hết nửa năm của GSO cho thấy số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên do tháng 7 và 8, là cao điểm giãn cách xã hội của nhiều địa phương phía Nam.

Trước tình trạng khó khăn kéo dài, Chính phủ cơ bản đã ban hành nhiều chính sách, gói hỗ trợ áp dụng với người dân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh như miễn, giảm các khoản thuế, phí, gia hạn, giãn, hoãn nợ, trợ cấp bằng tiền cũng như nhu yếu phẩm đến từng trường hợp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc thiết kế gói hỗ trợ và quá trình thực thi còn khó khăn, chậm tiến độ, trong khi nhu cầu của người dân là cấp thiết.

Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện, với các lý do chính như:

Thứ nhất, dịch bệnh đã tạo ra sức ép về tài chính và tâm lý rất lớn với người dân, trong đó, có các khoản chi phí cố định phải trang trải như chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền khám chữa bệnh... Vì vậy, việc hỗ trợ tiền mặt để duy trì cuộc sống là một yêu cầu cấp thiết đối với người dân lúc này.

Thứ hai, khác với các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác như giảm thuế, phí, tạm dừng đóng bảo hiểm... có độ trễ khi triển khai, thì hỗ trợ tiền mặt giúp kích cầu tiêu dùng, và tạo tác động tức thời, giúp người dân có thể chi tiêu trực tiếp.

Thứ ba, hỗ trợ tiền mặt là 1 trong những biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia triển khai như tại Mỹ, châu Âu, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc,... đều phát tiền mặt cho người dân, nhất là trong năm 2020 và đợt dịch bùng phát gần đây.

Thứ tư, việc được hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm hơn về nguồn tài chính, từ đó giúp nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo an dân và an sinh, nhất là với những người nghèo, người tàn tật, người mất khả năng lao động...

Thứ năm, hỗ trợ tiền mặt với quy mô hợp lý, thời gian phù hợp và đúng đối tượng sẽ ít gây ra tác động phụ so với các biện pháp tiền tệ và tài khóa khác. Điển hình là tiền hỗ trợ sẽ khó chảy vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tránh gây nên tình trạng bong bóng tài sản và tăng áp lực lạm phát.

Phương pháp triển khai trên cơ sở "bơm tiền"

Cũng theo nhóm Nghiên cứu, để thực hiện hiệu quả biện pháp này, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP đến thời điểm hiện tại và tiến hành sửa đổi, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần xem xét sớm mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (tổng số lao động năm 2020 là 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 29,3 triệu người (53,7%) là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cứ hỗ trợ tiền mặt là giải pháp hay nhất, linh hoạt nhất (ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia, Chính phủ cứ hỗ trợ tiền mặt là giải pháp hay nhất, linh hoạt nhất (ảnh: Internet)

Đối với việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình. Việc tổng hợp danh sách đối tượng cần hỗ trợ nên được kết hợp từ cả việc đăng ký tại địa phương, người dân tự đăng ký (đăng ký online, qua tin nhắn SMS) cũng như đối chiếu thông tin từ danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội, danh sách cử tri và nguồn khác (như nhà mạng, công ty điện, nước...).

Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp tiền hỗ trợ cho người dân bằng cách cho phép đăng ký qua mạng; Tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác như Bảo hiểm Xã hội, Nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước... và tổ chức đoàn thể địa phương để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn; Kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho người dân, qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ Mobile Money...; ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm.

Cần ưu tiên hoàn thiện thể chế và tăng nguồn lực an sinh xã hội như một chiến lược cấu phần trong chiến lược mới về phòng, chống dịch bệnh và thiên tai khác, với cách tiếp cận đổi mới, linh hoạt, có sự tham gia của nhiều bên gồm cả khu vực tư nhân và quốc tế. Việc ưu tiên giải quyết các bất cập hiện tại; đổi mới và nâng cấp hệ thống bảo trợ xã hội cho phép huy động, phân bổ nguồn lực an sinh hiệu quả hơn và phản ứng tốt hơn trước các cú sốc trong tương lai”, nhóm Nghiên cứu nhấn mạnh.

Trước đó, về vấn đề an sinh xã hội, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến của mình để nâng cao hiệu quả các giải pháp. Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, “tiền mặt là vua” và mang lại giá trị lớn nhất cho người thụ hưởng, nên trong trường hợp này, Chính phủ cứ hỗ trợ tiền mặt là giải pháp hay nhất, linh hoạt nhất. Cần chứng tỏ rằng, Nhà nước sẽ chăm lo được nhu cầu thiết yếu, nhu yếu phẩm cho người dân trong vòng 6 tháng đối phó với dịch bệnh. Vì vậy, phải tính toán một khoản hỗ trợ bằng tiền mặt, tương đương với 6 tháng nhu yếu phẩm, tương đương 567.000 đồng/tháng/người, khoảng 3,4 triệu đồng/6 tháng. Con số này nhân lên với dân số cả nước sẽ tương đương với 5% GDP của Việt Nam trong năm 2021, để đảm bảo người dân ở nhà, cho đến khi dịch bệnh được đẩy lui.

Còn theo quan điểm của TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, cần xem xét và triển khai giải pháp cho dân mượn tín chấp 50 triệu đồng không lãi suất, giải ngân hàng tháng, và họ trả góp lại trong thời gian sau dịch từ 1- 3 năm. Đây là số tiền này để hỗ trợ người lao động trang trải cuộc sống hàng tháng trong lúc họ từ từ phục hồi công việc kinh doanh, lao động. Nếu giải ngân "một cục" thì làm mất ý nghĩa hỗ trợ hàng tháng....

Một giải pháp ngắn và đúng phải là giải pháp để thực thi, triển khai ở diện rộng, phổ biến, công bằng và bảo đảm 2 mục tiêu: Đời sống người dân không bị đói và duy trì sức mua thị trường.

Vì sao Chính phủ cấp tiền cho dân là tiền ứng trước từ sức lao động của dân, vì đây là chính sách tốt ngắn hạn. Ví dụ, mỗi công dân được chính phủ cấp 3 triệu đồng/tháng, cấp theo hộ khẩu hoặc CMND. Việc cấp là công bằng: khỏi thắc mắc, ai cũng có, giầu nghèo như nhau. Và quan trọng thực hiện mục tiêu kép: dân không bị đói và duy trì sức mua thị trường”, vị chuyên gia đề xuất.

Trao đổi với phóng viên, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đề xuất, mỗi người dân phải được hỗ trợ ít nhất 1 triệu đồng/ tháng, trong thời gian 6 tháng, để mọi người yên tâm ở nhà. Vậy đối tượng nào được chọn lọc để hưởng ưu đãi, thì mỗi phường, quận phải có một hội đồng quản lý khu dân cư lên danh sách của những người mất công ăn việc làm, gặp khó khăn để hỗ trợ được thiết thực, sát sao.

Nguồn tiền sẽ nên xem xét và sử dụng từ nguồn ngân sách hoặc có thể sử dụng tiền vay nợ (trái phiếu, mượn các quỹ)...

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất gói hỗ trợ bổ sung gần 40.000 tỷ đồng

    05:15, 22/08/2021

  • Huy động tổng lực để an dân: Các gói hỗ trợ người dân, vượt dịch

    15:00, 21/08/2021

  • Huy động tổng lực để an dân: Các gói hỗ trợ người dân, vượt dịch COVID-19

    20:08, 19/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Bơm" tiền mặt cho dân - Giải pháp cấp thiết trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO