Bốn giải pháp trọng tâm năm 2021 nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

ANH DUY 28/12/2020 10:34

Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tập trung vào bốn nhóm giải pháp trọng tâm.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng ngày 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tóm lược Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết  02/NQ-CP năm 2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng ngày 28/12

Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng ngày 28/12.

Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các Chương trình cải cách hành chính đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc, khai thông nguồn lực trong xã hội, thu hút đầu tư từ bên ngoài.

“Việt Nam luôn được coi là một địa điểm đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, từ năm 2014, hàng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, bám sát vào các bộ chỉ số của các tổ chức quốc tế có uy tín. Qua đó đã góp phần hoàn thiện thêm một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tháo gỡ được nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ 1 năm hoặc 2 năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ rõ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam. “Trực tiếp nhất là thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh được thay đổi cách đánh giá từ năm 2018 thành Năng lực cạnh tranh 4.0. Khi đó  Việt Nam đứng thứ 77. Một năm sau vị trí của chúng ta đã tăng 10 bậc lên thứ 67”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cùng với đó, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39.  Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020. 

Trong các bộ chỉ số, các bảng xếp hạng quốc tế đó, có không ít chỉ số, tiêu  chí cụ thể của nước ta ghi nhận những tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng  tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019). Nộp thuế và BHXH tăng  59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019). Ứng dụng CNTT tăng 54  bậc, từ thứ 95 (năm 2015) lên thứ 41 (năm 2019) .v.v. 

Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc từ thứ 88 năm 2016  lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá  dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169  mục tiêu cụ thể).

“Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận rất tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện các Nghị quyết này”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Phó Thủ tướng thẳng thắn rằng vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng thứ 122. Rào cản phi thuế quan đứng thứ 121. Bảo vệ hệ sinh thái bền vững đứng thứ 110. Đăng ký tài sản thứ 106. Bảo vệ sở hữu trí tuệ thứ 105. Kết nối hạ tầng đường  bộ thứ 104. Ngay nộp thuế và bảo hiểm dù đã tăng tới 59 bậc nhưng vẫn đứng thứ 109.  

thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20p/bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019.

Thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019.

Thực tế những năm qua cho thấy Bộ, ngành nào chủ động, quyết tâm thì  các chỉ số được cải thiện rõ ràng hơn và ngược lại. Tới đây, việc cải thiện vị trí  càng khó và đòi hỏi nỗ lực cao hơn vì các quốc gia, nên kinh tế khác cũng rất  chú trọng công tác này. Mặt khác, nhiều tiêu chí, chỉ số không chỉ đơn thuần liên  quan tới thủ tục hành chính có thể nhận diện, sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay mà còn  phải sửa luật và ngày càng có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm  mới có thể cải thiện được, nhất là liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội. 

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2020 này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, việc đánh giá xếp  hạng của các tổ chức quốc tế có những thay đổi đáng kể và nhiều bảng xếp hạng  không được công bố. Trong nước, thực hiện “mục tiêu kép” các nỗ lực thực hiện  Nghị quyết 02/CP không hề giảm. Thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy  mạnh mẽ hơn (như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toàn không  dùng tiền mặt…). Xác định năm 2021 sẽ là năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 nên Nghị quyết 02/CP năm 2020 cũng  đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2020 và định hướng cho  năm 2021. 

7 chỉ tiêu và 4 giải pháp trọng tâm

Do đó, Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các  Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện động bộ tất cả các mục tiêu  giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020.

“Đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo  thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cụ thể, 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây  dựng (A3), Đăng ký tài sản (A7), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), Giải  quyết phá sản doanh nghiệp (A10), Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3),  Ứng dụng công nghệ thông tin (B5), Chất lượng đào tạo nghề (B6) và 10 tiêu chí  cụ thể. Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới  sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Rào cản phi thuế quan, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm  soát tham nhũng, Mức độ tiếp cận CNTT, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến,  Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường trong bền vững  sinh thái. 

Nghị quyết cũng nhấn mạnh 4 bốn nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, thứ nhất, tập trung khắc phục những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối  hợp giữa các cơ quan; làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan.  

Thứ hai, tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “chương trình  chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với  thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp  tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ CMCN lần thứ IV.  

Thứ ba, có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể, kiên trì để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất  nền tảng, nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh  thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển vùng núi, vùng sâu, vùng xa…phấn đầu  giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững đồng thời phát triển nhanh  cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, hiện mới có 2000 doanh nghiệp trong tổng  số hơn 700.000 doanh nghiệp.

Thứ tư, tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản  xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba!

    09:49, 28/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam 5 năm 2016-2020: Tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu

    09:41, 28/12/2020

  • Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới ở Đông Nam Á

    08:40, 28/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ IV): WB đưa giải pháp "sống chung với bất định"

    06:30, 26/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bốn giải pháp trọng tâm năm 2021 nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO