"Cửa" gọi vốn cộng đồng đang khép lại

ĐINH HỒNG SƠN - Chuyên gia tài chính số 08/06/2022 05:30

Hiện nay là thời điểm khó khăn của thị trường tài chính trên toàn cầu, cùng những bất ổn về chính trị dẫn đến nguy cơ startup công nghệ khó tìm được cơ hội đầu tư như trước.

>>Startup công nghệ đào thải ồ ạt khi nguồn vốn dần cạn

“Bong bóng” công nghệ xì hơi

Có thể nói, công nghệ đã và đang là từ khoá “hot" trong vài năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến dòng vốn cực lớn rót vào các công ty công nghệ trên thế giới và ngay cả tại thị trường startup ở Việt Nam trong thời gian qua. Thị trường nhân lực công nghệ cũng vì thế trở nên khan hiếm, đắt đỏ. 

Trong gần một thập kỷ qua, “bong bóng” công nghệ đã tồn tại với hàng loạt các công ty công nghệ được nâng tầm và định giá quá cao so với tiềm năng và giá trị thực

Trong gần một thập kỷ qua, “bong bóng” công nghệ đã tồn tại với hàng loạt các công ty công nghệ được nâng tầm và định giá quá cao so với tiềm năng và giá trị thực

Tuy nhiên thời gian gần đây, ngành công nghệ đã có dấu hiệu giảm nhiệt và bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào mà ít ai dám thừa nhận. Chúng ta có thể thấy rất rõ việc gọi vốn đã khó hơn, nguyên nhân đến từ các yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế trên diện rộng dẫn đến nguồn vốn hạn hẹp đổ vào khu vực doanh nghiệp. Tương lai ảm đạm của nền kinh tế tại các quốc gia đang hiện hữu trước mắt sau đại dịch, cùng với khủng hoảng về tài chính, dầu mỏ, năng lượng và chiến tranh giữa các quốc gia khiến vấn đề bất ổn về chính trị - kinh tế - xã hội là tiền đề cho sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều mô hình kinh doanh. Niềm tin vào sự tăng trưởng và thành công của các công ty công nghệ, đặc biệt là các startup càng trở nên mong manh, dòng vốn vì thế cũng chững lại và khó được các quỹ hay tổ chức lớn đầu tư.

Thứ hai, trong gần một thập kỷ qua, “bong bóng” công nghệ đã tồn tại với hàng loạt các công ty công nghệ được nâng tầm và định giá quá cao so với tiềm năng và giá trị thực của nó. Có thể thấy, không còn thời của hàng loạt IPO đình đám đến từ các công ty công nghệ với giá cổ phiếu trên trời, ngay cả các công ty thuộc diện “anh cả" như Facebook, Apples, Google,... cũng mất giá ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, việc thu hút được quỹ đầu tư vào các startup công nghệ trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ khó khăn và thách thức.

Trên toàn cầu, việc gọi vốn đã chậm lại với số lượng lớn (100 triệu USD trở lên) và tổng số tiền huy động được giảm trong quý đầu tiên - lần đầu tiên điều đó xảy ra sau gần hai năm. "Tâm lý nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đang ở mức tiêu cực nhất kể từ sau sự cố dot-com 20 năm trước", đồng sáng lập PayPal, David Sacks, hiện là đối tác của công ty đầu tư Craft Ventures, đã viết trên Twitter.

Rõ ràng, dòng vốn đầu tư cho startup công nghệ không còn rộn ràng như trước, tuy nhiên, công nghệ vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn và tạo sự đột biến nếu là những ý tưởng, sản phẩm giá trị. Vì vậy đối với các startup độc đáo, khác biệt thực sự, thì chắc chắn vẫn có cơ hội để hút được vốn đầu tư từ các quỹ hay tổ chức tài chính trên toàn cầu.

Thông thường, các yếu tố sau đây có ảnh hưởng đến việc các quỹ đầu tư vào các dự án cộng đồng, đó là: Ý tưởng phải hay, sáng tạo và khác biệt, có ý nghĩa trong đời sống… Cùng với đó là độ sẵn sàng của giải pháp, tính khả thi, thực tế. Nhiều startup quá “bay bổng”, vẽ ra những kịch bản và hình ảnh tương lai tươi sáng nhưng thiếu thực tế. Trong khi để được rót vốn, thì phải làm rõ được mục đích, ý nghĩa và kết quả mà ý tưởng đó có thể đem lại, như tính khả thi ra sao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn hay không mới là điều quan trọng.

Trong khi đó, việc tiếp cận, thuyết phục các nhà đầu tư là không dễ dàng và việc các startup không hiểu cách thức nhà đầu tư đánh giá, nhận định về giá trị doanh nghiệp có khả năng dẫn đến việc huy động vốn không thành công.

>>Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

Cần những đột phá mới

Về mặt phương pháp, các cách tiếp cận định giá truyền thống như chiết khấu dòng tiền, hay so sánh thị trường rất khó có thể áp dụng trong định giá startup. Vậy các nhà đầu tư thiên thần hay đầu tư mạo hiểm định giá startup giai đoạn đầu như thế nào khi các phương pháp truyền thống không thể áp dụng?

Dòng vốn đầu tư cho startup công nghệ không còn rộn ràng như trước, tuy nhiên, công nghệ vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn và tạo sự đột biến nếu là những ý tưởng, sản phẩm giá trị

Dòng vốn đầu tư cho startup công nghệ không còn rộn ràng như trước, tuy nhiên, công nghệ vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn và tạo sự đột biến nếu là những ý tưởng, sản phẩm giá trị (ảnh minh hoạ)

Nhiều phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra, đối với nhà đầu tư thiên thần, thường là những cá nhân có tiềm lực tài chính, đam mê, có thể là chuyên gia trong ngành, sẵn sàng đầu tư cho các startup từ rất sớm, khi vẫn còn là ý tưởng đang được thử nghiệm - giai đoạn này thường gọi là Seed funding. Tại giai đoạn này, nhà đầu tư thiên thần đầu tư chủ yếu vào bản thân các nhà khởi nghiệp, chủ nhân của ý tưởng kinh doanh, hơn là đầu tư vào hoạt động kinh doanh của startup. Vì thế, việc định giá mang nhiều yếu tố “nghệ thuật” hơn là “khoa học”. Các yếu tố để cân nhắc giá trị thông thường sẽ bao gồm khả năng của đội ngũ lãnh đạo, tiềm năng của sản phẩm đang được phát triển trên thị trường hiện tại và tương lai, xu hướng công nghệ.

Đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đây là các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp và thường tham gia đầu tư khi startup đã định hình được về sản phẩm, thị trường và mô hình kinh doanh (Series A funding), hoặc khi đã có chỗ đứng trên thị trường, cần mở rộng thị trường và sản phẩm (Series B funding). Việc định giá của các quỹ cũng “kỹ thuật” hơn, họ có thể sử dụng nhiều phương pháp định giá khác nhau, có thể kể đến 2 phương pháp thường dùng như: Phương pháp Venture capital, ước tính giá trị của công ty trong tương lai bằng cách lấy doanh thu hoặc lợi nhuận dự báo nhân với hệ số định giá thị trường, sau đó chiết khấu giá trị tương lai này về hiện tại với lợi suất yêu cầu.

Hay phương pháp Risk factors summation (tổng các yếu tố rủi ro) và phương pháp Scorecard (bảng tính điểm). Cân nhắc các yếu tố về thế mạnh của đội ngũ quản lý, tiềm năng sản phẩm/công nghệ, quy mô tiềm năng thị trường, lợi thế về kênh phân phối, các yếu tố rủi ro của startup trong tương quan đối với các công ty được sử dụng để so sánh, từ đó tính ra hệ số định giá điều chỉnh hoặc mức điều chỉnh giá trị tuyệt đối.

Cuối cùng là đội ngũ sáng lập viên. Đây là điều kiện chiếm 50% giá trị quyết định của các quỹ, các tổ chức đầu tư. Trong một đội ngũ, mỗi người sẽ có kỹ năng khác nhau về công nghệ, về tài chính, về số hóa, bán hàng hơn là công ty chỉ có một người làm tất cả mọi thứ. Đặc biệt, một đội ngũ có tầm nhìn rộng, đi rất xa, nhưng không quên trách nhiệm xã hội, mang lại giá trị cho con người và cộng đồng sẽ rất được chú ý.

Mặc dù tỷ lệ thành công của startup công nghệ không quá cao, nhưng không vì vậy mà startup công nghệ không hấp dẫn nhà đầu tư. Về cơ bản, tất cả các quỹ đầu tư rót vốn đều nhằm mục đích “Exit" (thoát, thoái vốn) sau khi sinh lời từ khoản đầu tư ban đầu. Phương thức “Exit" có thể khác nhau như IPO hay bán lại cổ phần với giá cao hơn cho nhà đầu tư vòng kế tiếp…

Nhìn chung, hiện nay là thời điểm khó khăn của thị trường tài chính trên toàn cầu, cùng những bất ổn về chính trị dẫn đến nguy cơ startup công nghệ khó tìm được cơ hội đầu tư như trước. Tuy nhiên như đã nói ở trên, cơ hội luôn còn với những ai đủ sự sáng tạo, tinh tế, đam mê và kiên trì cộng với may mắn trên con đường gọi vốn. Cùng với đó thì các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần chủ động thay đổi chính mình để đáp ứng thời cuộc.

Đáng chú ý, cần nhanh nhạy thay đổi về các ý tưởng sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt công nghệ là thứ có thể thay đổi rất nhanh, cần nắm bắt các xu thế trên bình diện toàn cầu đến châu lục và các quốc gia.

Với những doanh nghiệp mới, có nguồn vốn khiêm tốn, hạn hẹp, cần có sự quản lý tài chính thật tốt và hiệu quả. Trong lúc khó khăn, tiết kiệm chi phí và tối ưu bộ máy quản trị là điều cần thiết để tồn tại và có thể tiếp tục con đường gọi vốn ở những vòng tiếp theo.

Với những doanh nghiệp đã có sự đầu tư và nguồn lực tốt thì nên tập trung ứng dụng công nghệ nhiều hơn, xây dựng bộ máy quản lý ưu việt hơn nhằm đem lại hiệu suất công việc cao hơn để phát triển bền vững trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Startup công nghệ đào thải ồ ạt khi nguồn vốn dần cạn

    04:38, 05/06/2022

  • Startup công nghệ Mỹ lao đao khi môi trường kinh doanh trở nên u ám

    04:23, 15/05/2022

  • Các startup công nghệ Trung Quốc “đói vốn”, buộc phải giảm mức định giá để niêm yết

    04:35, 29/05/2022

  • “Lỗ hổng pháp lý” gọi vốn cộng đồng bất động sản

    11:00, 19/08/2021

  • Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

    05:08, 12/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Cửa" gọi vốn cộng đồng đang khép lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO