200 chủ xe buýt tại TP.HCM tuyên bố bỏ tuyến, đình công. Xe buýt ở cả Hà Nội và HCM sụt giảm khách nghiêm trọng.
Nỗ lực phát triển giao thông công cộng, giảm tải hạ tầng cả chục năm nay của chính quyền đang bị xe công nghệ đe dọa làm phá sản chỉ trong vài ba năm.
Xe buýt - Bại tướng mới nhất của xe ôm công nghệ
Xe buýt bỏ chuyến, đình công, hành khách sụt giảm, Sở GTVT liên tục huỷ tuyến xe buýt... Sau hàng chục năm phát triển, 2018 dường như là 1 năm tồi tệ đối với hệ thống xe buýt công ở các thành phố lớn.
Đặc biệt là TP HCM: Năm 2012, khối lượng vận tải của xe buýt là 413,14 triệu lượt hành khách, đến năm 2017 chỉ còn 306,5 triệu. Điều này dường như là 1 nghịch lý, khi nhu cầu di chuyển ở đây đang tăng không ngừng. Hơn 100 triệu lượt hành khách đã đi đâu?
Không hề trùng hợp khi mà khoảng thời gian xe buýt suy thoái cũng chính là lúc xe ôm công nghệ du nhập và bùng nổ ở nước ta.
Hiện nay, Grab có hơn 175.000 đối tác và đang phục vụ cho hơn 20% người Việt, Go-Việt cũng không hề kém cạnh bám theo sau. Không khó để nhận ra loại hình vận tải mới này là nguyên nhân chính cho sự thoái trào của hệ thống xe buýt.
Với 1 chiếc điện thoại, người dùng có thể dễ dàng bắt được 1 chuyến xe ôm ngay tại nhà, được phục vụ nhiệt tình, và được chở đến tận nơi - điều mà xe buýt không thể nào làm được.
Logic là thế. Nhưng nếu không phải do tiềm lực tài chính khổng lồ của các hãng gọi xe, thị trường khó mà chuyển dịch nhanh như vậy.
Liên tục là những chương trình khuyến mãi, những mã giảm giá được tung ra để giành giật, phân chia thị trường. Có 1 thời gian đi taxi khắp thành phố chỉ tốn vài chục ngàn đồng.
Chính sách như là “cho không” trong 2 năm này đã thu hút mạnh mẽ những khách hàng tiềm năng của xe buýt. Thấy việc đi xe ôm, taxi không mấy đắt đỏ, họ hình thành 1 thói quen sử dụng xe ôm công nghệ thường xuyên.
Không chỉ kích cầu, các hãng xe công nghệ cũng đổ tiền để kích cung, bằng chiết khấu hấp dẫn và thưởng đậm cho tài xế. Người người thi nhau bỏ việc, vay nợ để mua xe, cài app, gia nhập tầng lớp tài xế công nghệ.
Cung cầu xe ôm công nghệ ở Việt Nam được kích thích bởi hàng tỷ USD và tăng trưởng chóng mặt. Khi tăng trưởng quá nhanh, sự tăng trưởng này không bền vững. Nó giống như 1 chiếc bong bóng đang được thổi căng.
Trái bong bóng này đang triệt tiêu những kẻ bại trận ngáng đường nó: từ taxi, xe ôm truyền thống, đến xe buýt công cộng, và tương lai là làm mất cân bằng cả hệ thống giao thông. Đến khi bóng vỡ thì hậu quả khôn lường.
Khi bong bóng vỡ thì còn lại gì?
Xe buýt vốn là phương tiện di chuyển công cộng cực kỳ quan trọng trong quy hoạch giao thông. Ở các quốc gia phát triển, 1 hệ thống xe buýt hiệu quả là lời giải cho bài toán kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
Khi xe buýt không thể phát triển, xe cá nhân, xe ôm, và taxi phát triển quá mức, dẫn tới thảm hoạ của hệ thống giao thông: quá tải hạ tầng, kẹt xe, ô nhiễm. Thực tế đã chứng minh điều đó:
Năm 2014, số lượng xe dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh ở TP HCM chỉ là 180 chiếc. Dưới sự bùng nổ của Grab và Uber, năm 2017 con số này là 24.000 chiếc - tăng hơn 13.000%. Hậu quả nhãn tiền: TP HCM và Hà Nội năm nay trở nên kẹt xe khủng khiếp, ô nhiễm trầm trọng và đường xá xuống cấp nhanh chóng.
Không chỉ là vấn đề khi lưu thông, không gian để đậu xe cũng là rắc rối lớn khi phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh. Đột nhiên trong 1, 2 năm nay, hai thành phố lớn nhất của Việt Nam thiếu quỹ đất trầm trọng cho việc đậu xe.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 24/10/2018
07:18, 19/11/2018
14:15, 15/10/2018
06:30, 11/12/2018
Tệ nhất là khi thói quen người dân đã thay đổi, rất khó để có thể khiến họ sử dụng xe buýt trở lại. Nỗ lực bao nhiêu năm qua của chính quyền các thành phố, hàng chục nhìn tỷ đồng đổ vào để khuyến khích người dân đi xe buýt sẽ tan thành mây khói.
Khi ấy, sự thoái trào của xe buýt sẽ lên đỉnh điểm và kẹt vào vòng lặp ‘phản hồi tích cực’: Càng nhiều phương tiện cá nhân, xe buýt càng không thể di chuyển được, và càng nhiều người chuyển sang đi phương tiện cá nhân.
Đến một thời điểm nào đó, 300 triệu lượt khách còn lại của xe buýt TP HCM có thể trở thành 300 triệu lượt đi xe ôm, taxi. Khi điều đó xảy ra, hệ thống hạ tầng giao thông nơi đây chắc chắn sẽ sụp đổ, thành phố sẽ kẹt cứng, bong bóng sẽ phải bị kích nổ và để lại những bác tài chịu nợ nần, thiệt hại kinh tế, hạ tầng, môi trường mà sẽ cần nhiều năm để khắc phục.
Trong khi các nước tiên tiến vẫn đang nỗ lực xây dựng không ngừng những hệ thống giao thông công cộng thì Việt Nam với sự bùng nổ quá đáng của xe ôm công nghệ, lại đang đi ngược lại quá trình phát triển ấy. Đây là lúc các chính sách quy hoạch ở nước ta phải được thực hiện một cách hiệu quả hơn nữa, nhằm ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ xảy ra.