Đối với người yêu bóng đá, hôm qua được gọi là “ngày hạnh phúc”. Hôm nay lại thêm một “ngày hạnh phúc” của bóng đá Việt Nam, ngày đón các “chiến binh đỏ” trở về.
Trước trận chung kết U23 Châu Á môt ngày, trên khắp đất nước Việt Nam rất rộn ràng, tất bật, hai mươi bốn giờ đồng hồ của ngày 26/01 dường như trôi rất chậm. Bầu không khí rạo rực được hàng trăm tờ báo, đài truyền hình chuyển tải từ sáng sớm, đối với người yêu bóng đá, hôm qua (27/1) được gọi là “ngày hạnh phúc”.
Nhà đài lên sóng bình luận từ 13h, cách hai tiếng trước giờ bóng lăn, hồi hộp ngóng tin từ Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) có ra quyết định nên dừng hay tiếp tục trận đấu trong điều kiện mưa tuyết phủ kín sân vận động Thường Châu. Nhìn tuyết, tôi lo, lo sợ các em không trụ vững 90 phút.
Phút thứ 7, lưới U23 Việt Nam rung lên, nỗi càng lo bao trùm, hàng hậu vệ hơi lúng túng, những đường chuyền phát động tấn công của tiền vệ trung tâm Lương Xuân Trường thiếu đi độ chính xác như thường lệ, nhìn các em gồng mình chống đỡ mà lòng quặn thắt. Trong khi đội bạn thi đấu như không có chuyện gì xảy ra!
Phút 40, Công Phượng bị đốn ngã cách khung thành đối phương 20,2m, cả Văn Thanh, Xuân Trường, Quang Hải xúm lại dùng tay vạt tuyết tạo khoảng trống đủ đặt trái bóng. Hình ảnh xúc động đó gợi cho tôi liên tưởng đến khí chất của con người Việt Nam sống dậy từ lam lũ, khó nhọc nên phải chắt chiu tiết kiệm, nâng niu từng mầm sống dù chỉ le lói giữa khung cảnh trắng xóa lạnh lẽo.
Hai bước lấy đà, một cú đặt lòng bằng chân trái, đưa trái bóng đi theo quỹ đạo hình trái chuối và kết thúc bằng một siêu phẩm theo phong cách “lá vàng rơi’ giữa mùa đông Giang Tô.
Bàn thắng của Quang Hải xứng đáng đi vào giáo trình dạy môn bóng đá. Đó không còn là bản năng đơn thuần của một cầu thủ tấn công làm nhiệm vụ đưa bóng vào lưới đối phương trong mọi trường hợp, mà đó là ngôn từ cả tuần nay chúng ta nói về những con người trong đội tuyển U23 Việt Nam: bản lĩnh, kiên cường, quả cảm, lỳ lợm, sắc bén…
Lịch sử bóng đá thế giới chưa khi nào chứng kiến ở một giải đấu chính thức có đội bóng nào chơi 3 trận knock-out (tứ kết, bán kết và chung kết) kéo dài 120 phút, đá luân lưu và giành chiến thắng trọn vẹn. U23 Việt Nam đã làm được hai lần như thế. Tôi gọi đó là lịch sử!
Bàn thua nghiệt ngã ở phút 119, cũng là bàn thắng cuối cùng nổi hồi còi bế mạc giải bóng đá U23 Châu Á Năm 2018. Tiếc nuối - là cảm xúc của người hâm mộ cả nước. Trước khi trận đấu diễn ra, tôi tự dặn lòng dù có thua cũng vui, nhưng thật sự khi nhìn các em đổ gục trong tuyết chẳng thể nào vui nổi. Tôi biết rằng, từ sâu trong tâm thức hàng chục triệu người hâm mộ cả nước và đương nhiên, cả tập thể U23 còn muốn mang Cup về.
Cổ nhân đúc kết, phàm khi làm gì muốn thành công phải hội đủ “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa”. Ngày hôm qua, chúng ta không có được yếu tố đầu tiên. Một trận đấu chung kết tầm châu lục được tổ chức trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Đó là lịch sử!
Lẽ ra AFC nên hoãn trận đấu hoặc thay đổi địa điểm thi đấu, những giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu hay Champions League, người ta sẽ hoãn trận đấu nếu băng tuyết phủ dày mặt sân. Một đội bóng đến từ xứ sở nhiệt đới, chưa một lần trong đời thấy tuyết lại chơi một trận bóng đá đỉnh cao trong tuyết. Tôi gọi đó là lịch sử!
Trong bóng đá, tiếc nuối cũng là khoái cảm, loại cảm xúc mà có lẽ chỉ có bóng đá mới đủ sức mang lại một cách trọn vẹn nhất. Ngẫm lại, những ngày qua hàng triệu trái tim Việt Nam đã được thưởng thức trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc của bóng đá: hồi hộp, sung sướng, ấm ức, vỡ òa và cả tiếc nuối. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?
Vận hội mới của nền bóng đá đã tới, bóng đá Việt Nam đã cho cả Châu Á thấy được sức hấp dẫn, những tài năng có thể chơi bóng sòng phẳng với các anh hào hàng đầu châu lục. U23 Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử bóng đá Châu Á. Đó một thành công vượt ngưỡng!
Hôm nay (28/01) lại thêm một “ngày hạnh phúc” của bóng đá Việt Nam, ngày đón các “chiến binh đỏ” trở về. Tôi tin hàng triệu người sẽ dành ngày chủ nhật để ngồi trước màn hinh tivi thưởng thức sự vi diệu của bóng đá.