Đó là khẳng định của ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi đánh giá về vai trò của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR và chiến lược phát triển hóa dầu của Nhà máy Loc dầu Dung Quất.
Báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết: năm 2017, BSR đạt sản lượng đạt hơn 6,1 triệu tấn; doanh thu đạt 82.021 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.872 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 7.712 tỷ đồng.
Trong quý I/2018, NMLD Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định ở công suất 108 - 110%. BSR sản xuất 1,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 110,8% so với kế hoạch quý; doanh thu ước đạt 24.091 tỷ đồng, đạt 125,1% kế hoạch quý I; nộp ngân sách nhà nước đạt 2.720 tỷ và lợi nhuận đạt 1.293 tỷ đồng; tương đương đạt 132,3% nộp ngân sách và 146,4% lợi nhuận so với kế hoạch quý. Tính đến nay, BSR đã đạt 16 triệu giờ công an toàn, không mất giờ công lao động.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã sản xuất 52,1 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu 905,3 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước 148,24 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 6 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế đạt 18,6 nghìn tỷ đồng.
Nhờ có NMLD Dung Quất, tăng trưởng kinh tế tại Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả vượt bậc, cụ thể GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. NMLD Dung Quất có khoảng 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân mà con em Quảng Ngãi chiếm hơn 65%. Đời sống của các bộ, kỹ sư, công nhân của NMLD Dung Quất nói riêng và tại Khu kinh tế Dung Quất nói chung được đảm bảo, tạo sự yên tâm công tác gắn bó lâu dài.
Bên cạnh đó, BSR đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội trong tỉnh Quảng Ngãi và các địa bàn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn trong cả nước. Kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội từ năm 2010 đến nay trên 330 tỷ đồng (tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hơn 212 tỷ đồng). Đặc biệt, việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện Bình Sơn, là địa bàn có Nhà máy đang hoạt động đã đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương, trực tiếp là các hộ dân đã di dời, nhường đất cho việc xây dựng NMLD Dung Quất, góp phần tăng cường công tác an ninh, an toàn, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
Năm qua cũng là năm thành công của BSR trong công tác cổ phần hóa. Ngày 17/01/2018, BSR đã tổ chức tổ chức đấu giá thành công 242 triệu cổ phiếu BSR (tương đương 7,79% cổ phần) tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tiền thu được là 5.417 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào thành công 147 triệu cổ phiếu, tương đương 61% khối lượng chào bán. Ngày 01/3/2018, cổ phiếu BSR được niêm yết trên sàn UPCoM theo Quyết định số 76/QĐ-SGDCKHN ngày 22/2/2018 với mức giá tham chiếu là 22.400 đồng/cổ phần.
BSR cũng đã tiến hành thủ tục chào bán 49% số lượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Đến thời điểm hiện tại đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam) và Công ty Indian Oil Corp (Ấn Độ) với khối lượng đăng ký của mỗi Nhà đầu tư đạt 100% khối lượng được phép bán cho Nhà đầu tư chiến lược.
Các Nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược.
5 năm tới, BSR tập trung tổ chức hoạt động sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, làm chủ công nghệ và bền vững NMLD Dung Quất. BSR phấn đấu hoàn thiện Dự án NCMR NMLD Dung Quất vào năm 2020 và tiến hành kết nối vào năm 2021, đưa cụm Dự án NCMR đi vào hoạt động an toàn, ổn định và đạt hiệu quả cao từ năm 2022.
Đối với Dự án NCMR NMLD Dung Quất, tính đến nay đã hoàn thành thiết kế tổng thể FEED; công tác chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn thành 99,8%. Công tác đánh giá tác động môi trường; Thẩm định thiết kế FEED và dự toán; Công tác lựa chọn nhà thầu EPC; Công tác thu xếp vốn cho dự án… đang được triển khai đúng kế hoạch.
BSR kiến nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi hỗ trợ kiến nghị với Chính phủ 5 nội dung, trong đó có 2 kiến nghị lớn: Giữ nguyên cơ chế đang có hiệu lực hiện hành tại Quyết định 1752/QĐ-TTg ngày 03/09/2016; kiến nghị Chính phủ chủ trương cấp Bảo lãnh Chính phủ cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất trước ngày 01/07/2018.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Tỉnh ủy Quảng Ngãi ghi nhận BSR ở “nhiều cái được”: Đóng góp rất lớn cho thu ngân sách tỉnh, sản xuất rất sạch, không gây ô nhiễm môi trường; tạo ra một thế hệ kỹ sư giỏi, cung cấp nhân lực cho ngành lọc dầu; là hạt nhân phát triển kinh tế của Khu kinh tế Dung Quất,...
Tỉnh nhận thấy: Nếu chỉ có NMLD Dung Quất thì không phát huy hết tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi, sẽ phải phát triển Dung Quất thành trung tâm lọc hóa dầu mang tầm quốc gia. Đồng thời, đồng chí Lê Viết Chữ cũng hoan nghênh BSR tiên phong trong việc cổ phần hóa đạt nhiều thành công và đúng tiến độ đề ra.
Bí thư Lê Viết Chữ lưu ý BSR một số việc sau: Đưa Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất hoạt động trở lại đúng kế hoạch. Tỉnh cũng sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu sắn để phát triển công nghiệp chế biến sắn và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Thời gian ngắn tới, tỉnh và BSR chuẩn bị nội dung để báo cáo các cấp có thẩm quyền một số việc như: Tính cấp bách của việc Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất; Phát triển Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia; cơ chế để BSR phát triển bền vững...