Kế hoạch kinh doanh của Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) luôn gắn với triển vọng giá dầu - yếu tố khó dự báo chính xác.
>>>BSR chủ động đảm bảo cung ứng xăng dầu dịp Tết
BSR vừa đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 thấp hơn so với kế hoạch 2023.
Kết thúc 2023, BSR có một năm tích cực. Theo Nghị quyết HĐQT, BSR đã điều chỉnh kế hoạch năm 2023 vào phút chót, với tổng doanh thu hợp nhất tăng 52% lên 145.102 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần lên gần 4.867,7 tỷ đồng. Sản lượng cả năm 2023 ước đạt hơn 7,35 triệu tấn sản phẩm (vượt 31% kế hoạch), cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại. Điều này góp phần mang lại lợi tức không nhỏ cho cổ đông khi BSR cũng nâng tỷ lệ chia lợi nhuận dự kiến vào đầu 2024 từ 3% lên 7%.
Tuy nhiên, trên nền tăng trưởng cao vút của 2023, Nghị quyết của HĐQT BSR về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 lại tỏ ra rất thận trọng, thậm chí đi lùi về các vạch đầu năm 2023, khi đặt doanh thu hợp nhất 95.274,4 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 1.148,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 34% và gần 77% so với kế hoạch năm 2023.
>>>Triển vọng nhóm cổ phiếu dầu khí thượng nguồn năm 2024
1.148,2 tỷ đồng là kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 của BSR, giảm tới 77% so với kế hoạch 2023.
Ngoài ra, mức cổ tức (công ty mẹ) dự kiến là 3%, tương ứng số tiền là 930 tỷ đồng, ngang với mức chưa điều chỉnh trong 2023. Về tổng vốn đầu tư, BSR dự kiến chi gần 1.298 tỷ đồng, trong đó 994 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ bản…
Việc BSR đặt chỉ tiêu thận trọng được giới chuyên môn cho là trước hết, để đảm bảo khả năng đạt nhiệm vụ được giao của Công ty. Trong trường hợp thuận lợi, Công ty lại sẽ điều chỉnh phút chót như đã thực hiện năm 2022 và 2023.
Sự thận trọng của BSR là có lý do bởi kế hoạch của doanh nghiệp này luôn gắn với triển vọng giá dầu - yếu tố khá khó dự báo chính xác, đặc biệt trong năm 2024.
Nhóm chuyên gia của FIDT cho rằng, diễn biến giá dầu thế giới đang có chiều hướng tiêu cực trong triển vọng năm 2024 của BSR: Giá dầu biến động mạnh và triển vọng khó đoán trong năm 2024 đến từ việc (1) không đồng nhất trong hành động cắt giảm sản lượng của OPEC khi theo khảo sát từ Reuters, sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 12 do sự gia tăng sản lượng ở Iraq, Angola và Nigeria bù đắp cho việc cắt giảm liên tục của Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+; và (2) Saudi Arabia muốn duy trì tính cạnh tranh của mình trên thị trường dầu thô thế giới nên đã tiến hành giảm giá dầu Arab Light giao Châu Á khoảng 2USD/thùng.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết, một số các biến động ngoài dự đoán như những lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ, sau một loạt cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen, có thể khiến giá dầu tăng.
Báo cáo triển vọng ngắn hạn về giá dầu thô (STEO) năm 2024 và 2025 của EIA kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình mức 82 USD/thùng năm 2024 và 79 USD/thùng năm 2025.
Ngoài định hướng và sự linh hoạt/ điều chỉnh của BSR tùy bối cảnh, các công ty chứng khoán cũng cho rằng BSR còn có khoản “dự phòng” để hoàn nhập từ tồn kho, góp tăng kết quả kinh doanh 2024-2025. VCSC dự báo LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 của BSR có thể tăng thêm 2% lên 7,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giả định khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho cao hơn.
Khi các nền kinh tế có thể phục hồi sản xuất và tăng tốc vận chuyển, trong bối cảnh nhóm năng lượng hóa thạch vẫn chi phối phần lớn nguồn cung tiêu thụ trên thị trường, vẫn có triển vọng cho cổ phiếu dầu khí và BSR, nhất là khi TTCK được dự báo sẽ sôi động.
Có thể bạn quan tâm