Việc chủ động tiết giảm chi phí sản xuất thông qua sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm đã giúp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của mỗi nhà máy lọc dầu. Nhận thức được ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm với hiệu quả sản xuất - kinh doanh, BSR - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã quan tâm đến vấn đề quản lý năng lượng từ rất sớm.
Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 đã được BSR lựa chọn và hướng tới xây dựng để quản lý hệ thống năng lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đây là tiêu chuẩn quốc tế về thực hành quản lý năng lượng mang tính toàn cầu, được công bố lần đầu tiên vào năm 2011 và trở thành nền tảng cung cấp hệ thống quản lý năng lượng một cách toàn diện.
Nhằm tránh sự chồng chéo với các hệ thống quản lý sẵn có như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001, BSR xây dựng và tích hợp Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011 vào Hệ thống quản lý QHSE hiện hữu trong Công ty.
Ngày 28/5/2021, Hệ thống quản lý năng lượng của BSR chính thức được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 50001:2018.
So với phiên bản cũ, tiêu chuẩn ISO 50001:2018 yêu cầu BSR phải hoàn thiện việc đánh giá/xác định những rủi ro và cơ hội, dự báo những kết quả không mong muốn có thể xảy ra, phân tích các nguyên nhân gây ra các rủi ro, từ đó bổ sung những biện pháp kiểm soát mới bên cạnh những biện pháp đã có, cũng như phát hiện những cơ hội có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Việc áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đã giúp BSR cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chỉ số EII giảm từ 118% năm 2014 xuống còn khoảng 103 - 104% như hiện nay.
Theo báo cáo của Tổ chức Solomon, cứ giảm được 1% chỉ số EII tương đương tiết kiệm được 2,5 - 3 triệu USD/năm, tùy theo giá dầu thô chế biến.
Việc sử dụng năng lượng của Nhà máy còn được phản ánh qua mức tiêu thụ năng lượng nội bộ của toàn Nhà máy tính trên lượng dầu thô chế biến. Chỉ số này liên tục giảm qua các năm, từ 7,55% trong năm 2014 xuống 7,05% trong năm 2019 - 2020, giúp Nhà mày tiết kiệm khoảng 35.000 tấn dầu FO/năm, tương đương 15 - 20 triệu USD/năm.
Phát huy sáng kiến, cải tiến
Tập trung tối ưu hóa vận hành sản xuất và tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến dầu khí.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng lộ trình về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sạch hơn theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với các cam kết, xu hướng của thế giới.
Để đạt được điều này, tập thể đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của BSR đã đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến, cải tiến quan trọng, trong đó các giải pháp tiêu biểu đã góp phần tối ưu hóa sử dụng năng lượng cho Nhà máy.
Chẳng hạn, giải pháp gia nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU đã giúp nâng cao độ tin cậy, tuổi thọ và hiệu suất của thiết bị H-1101 trong quá trình vận hành, làm lợi cho Nhà máy 8,23 triệu USD/năm.
Hay giải pháp tối ưu hoá sử dụng khí nhiên liệu (FG) thừa sinh ra từ các phân xưởng công nghệ tăng cao đã giúp Nhà máy vận hành an toàn, ổn định 02 lò hơi bằng FG và 01 lò hơi bằng dầu FO; đồng thời, góp phần giảm lượng dầu FO đốt tại cụm lò hơi, phân xưởng U-40 khoảng 4,7 tấn/giờ. Giải pháp này giúp Nhà máy tiết kiệm 17,3 triệu USD/năm và giảm tương ứng lượng khí thải đốt bỏ ra môi trường tại đuốc đốt chính.
Công ty cũng áp dụng các giải pháp khác để tối ưu hoá công nghệ theo điều kiện đặc thù vận hành của Nhà máy, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành. Với mức công suất chế biến thông thường của Nhà máy đạt từ 103 - 108% công suất thiết kế, điều này tương đương với việc tiết kiệm từ 24 - 43 triệu USD/năm.
Được biết, BSR đang định hướng phát triển theo xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu, sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.