Chính thức khai trương “siêu” dự án bệnh viện 5 sao quốc tế Phương Đông có tổng mức đầu tư công bố trên 4500 tỷ đồng, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang chờ đón “shark” Việt.
Đúng 10 ngày sau sự kiện tập đoàn FLC khởi công “siêu” dự án bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1000 giường tại tỉnh Thái Bình, ngày 24/2/2019, tập đoàn Intracom của “shark” Việt đã có phần nhanh chân hơn khi tổ chức khai trương dự án bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Đông. Đây là dự án do công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông, một đơn vị thành viên của tập đoàn Intracom triển khai và vận hành với tổng mức đầu tư 198 triệu USD trên diện tích 9,5 ha, quy mô hơn 1.000 giường bệnh, giai đoạn 1, bệnh viện đưa vào hoạt động 250 giường.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức thì hiện mỗi năm Việt Nam có hàng chục ngàn đang người phải ra nước ngoài chữa bệnh và con số này đang có xu hướng tăng lên qua từng năm, tỷ lệ thuận với mức thu nhập trung bình được nâng cao và ý thức cho việc chăm sóc sức khỏe của đại bộ phận người dân được nâng lên.
Tình trạng trên diễn ra một phần nguyên nhân xuất phát từ việc quá tải của nhiều bệnh viện công lập trong nước, theo đó, số lượng và chất lượng các lượng các dịch vụ y tế hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Mặc dù Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa Y tế đã mở đường cho sự tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực được đánh giá là giàu tiềm năng này tuy nhiên đến nay, theo thông tin do Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ thì tỷ lệ của dịch vụ y tế tư nhân so với khu vực công vẫn dưới 10%.
Giữa bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng tăng và tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam theo ước tính của ngân hàng thế giới đang chiếm đến 5,8% GDP thì bệnh viện Phương Đông với tiêu chuẩn quốc tế của “Shark” Việt sẽ có lợi thế về mặt thời gian và điểm xuất phát trong chiến lược phân chia “chiếc bánh tỷ đô” y tế ngoài công lập.
Dư địa đã có, cơ hội tiếp theo mà bệnh viện “nghìn tỷ” của “shark” Việt có thể dùng để “lớn nhanh, lớn khỏe” là tận dụng lợi thế về mặt nguồn lực để đầu tư lớn, bài bản, đồng bộ từ vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng đến hệ thống thiết bị máy móc của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Một lợi thế nữa có thể nhắc tới là “shark” Việt đã khéo léo tập hợp được một đội ngũ chuyên gia, bác sỹ đầu ngành để vận hành hệ thống cơ sở vật chất như đã nói ở trên.
Bên cạnh những cơ hội còn cần thời gian để hiện thực hóa thành lợi thế cạnh tranh thì ngay khi bước vào vận hành chính thức, “thương vụ nghìn tỷ” mang tên bệnh viện Phương Đông của “shark” Việt cũng đang đối mặt với ít thách thức.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 22/02/2019
04:01, 17/02/2019
15:18, 19/02/2019
07:25, 01/02/2019
Thách thức đầu tiên là với suất đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng dự án phải cần đến thời gian hoàn vốn dài, như theo tính toán được công bố tại các dự án bệnh viện khác thì có thể lên đến hàng chục năm, điều này đòi hỏi chủ đầu tư phải có nguồn lực vững mạnh để cân đối dòng tiền trong dài hạn, đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Trong bối cảnh mà như lập luận của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến về việc đầu tư bệnh viện có vốn đầu tư rất lớn, dù tiêu chuẩn mọi thứ đều cao cấp và viện phí có thể tự xây dựng nhưng nếu viện phí cao quá thì cũng khó để thu hút được nhiều người đến khám chữa bệnh. Rõ ràng, bài toán đặt ra cho “shark” Việt lại càng lớn, nhất là trong trường hợp nếu dự án sử dụng vốn vay.
Thách thức tiếp theo đặt ra cho “shark” Việt là cần phải trở thành một “chiến lược gia” giỏi trong việc tập hợp và làm sao cho những người giỏi nhất có thể làm việc ăn ý, hiệu quả với nhau.
Câu chuyện này được Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ví von một cách hình ảnh như là trong bóng đá, dù có tập hợp cho anh cả một đội bóng toàn những ngôi sao hạng nhất từ các đội tuyển khác nhau thì rất có thể đội bóng ấy sẽ vẫn thua một đội hạng bét.
Cụ thể hơn, hiện nay bệnh viện Phương Đông có thể nói đang quy tụ được những “cây đa, cây đề” là những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, họ là những “ngôi sao” sáng đã từng có nhiều năm công tác và lãnh đạo tại nhiều bệnh viện lớn như Saint Paul; Bảo Sơn II; Phụ sản Trung ương; Viện E;... Tập hợp những ngôi sao ấy thành một dàn đồng ca đang là bài toán lớn đang đặt ra cho “shark” Việt để tạo nên sự phát triển đột phá của bệnh viện Phương Đông.
Một thách thức nữa cũng đang chờ đợi “shark” Việt giải quyết đó là khi đã có cơ sở vật chất tốt, đã có nguồn nhân lực chất lượng cao thì cũng cần có một chiến lược tốt để cạnh tranh “sòng phẳng” với các đối thủ trong cùng lĩnh vực bởi rõ ràng nhu cầu, tiềm năng là của chung và chắc chắn sau Vingroup, Intracom, FLC,…sẽ còn có những “ông lớn” khác, có thể là nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực nhiều dư địa này.
Liệu với triết lý mà “shark” Việt xác định là chữa “Tâm” bệnh trước khi chữa “Thân” bệnh có giúp bệnh viện Phương Đông trở thành một “thương vụ” thành công của “shark” Việt hay không, câu trả lời chỉ có thể là quá trình hoạt động thực tế của bệnh viện này.