Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống(F&B) đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Với một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và tiềm tàng sắp tới, tương lai không có nhiều khả quan cho các công ty F&B. Có lẽ nhận thức được điều đó, chuỗi đồ uống đậu nành hữu cơ Soya Garden đã "mạnh tay" hơn khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt nhất và đóng cửa các mặt bằng kém lợi nhuận đồng thời bắt tay cùng các nền tảng số, tận dụng các lợi thế của công nghệ khi hợp tác với Grab, Now, Foody, Baemin, VinID…
Soya Garden đang có những bước đi mới trong thời điểm khó khăn với ngành F&B.
Trong một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá bởi đại dịch, hầu hết các nhà kinh doanh, sản xuất đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm doanh số bán hàng. Các doanh nghiệp F&B cũng vậy, họ đang phải đối mặt với nhu cầu thấp một cách đáng kể và doanh thu giảm do đóng cửa hoặc lưu lượng truy cập giảm.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến khó lường trên cả thế giới và Việt Nam. Không chỉ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á láng giềng đang phải đối mặt với một làn sóng nhiễm bệnh khủng khiếp, ngay cả Việt Nam cũng liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca dương tính mới trong cộng đồng.
Chính vì vậy, đang có một câu hỏi đặt ra, làm thế nào các công ty thực phẩm và đồ uống có thể tồn tại và xây dựng khả năng phục hồi trong thời điểm hiện tại?
Trước tất cả những thách thức này, các doanh nghiệp F&B nhanh nhẹn đang mạnh dạn tái cấu trúc mô hình hoạt động của mình. Thay vì việc “đổ tiền” vào việc mở rộng chuỗi ở những vị trí đắc địa, đắt giá, họ đã thay đổi chiến lược thu hẹp địa điểm để tối ưu hóa chi phí. Đồng thời, nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ số để thích ứng và tồn tại trong bối cảnh mới.
Bằng cách nhanh chóng thiết lập các cửa hàng trực tuyến trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp có thể bù đắp doanh thu bị mất và mở rộng cơ sở khách hàng của mình. Tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng cho phép doanh nghiệp kiểm soát trải nghiệm thương hiệu, xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng và tăng lòng trung thành với thương hiệu, ngay cả khi thị trường đang vật lộn để phục hồi.
Hiện tại ở Việt Nam, một số các doanh nghiệp F&B trong nước cũng đang phải thay đổi chiến lược để tối ưu hóa chi phí mặt bằng và nhân sự, nâng cao hiệu quả vận hành và kết hợp với các nền tảng số để tăng cường doanh thu. Trên thực tế, cuộc đua trực tuyến đã nở rộ và trở thành xu hướng với các nền tảng đặt đồ ăn, thức uống như Now, GrabFood, Baemin ngay cả trước khi đại dịch bùng phát trở lại.
Đây có thể được coi là một bước đi thiết thực mà các công ty trong F&B thực hiện để vượt qua cơn bão và định vị cho sự phát triển trong tương lai.
Soya Garden – chuỗi cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ tiên phong tại Việt Nam được khai sinh vào năm 2016, với cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Đến tháng 8 cùng năm, cửa hàng thứ hai được đầu tư nhiều hơn về không gian xuất hiện trên phố Vũ Phạm Hàm, tạo ra một xu hướng trải nghiệm và thưởng thức đồ uống mới trong giới trẻ lúc bấy giờ.
Đến cuối năm 2017, hệ thống Soya Garden đã phát triển nhanh chóng với 11 chi nhánh khu vực phía Bắc, có mặt tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa. Tiếp đó, họ nhận được cam kết đầu tư 15 tỷ đồng từ ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Egroup thông qua chương trình truyền hình thực tế Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ.
Với nguồn tài trợ mới, chỉ sau 3 năm hoạt động, năm 2019 Soya Garden đã cán mốc 50 cửa hàng trên toàn quốc, có mặt tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, với tham vọng trở thành công ty công nghệ trong lĩnh vực F&B hàng đầu châu Á.
Nhưng đại dịch COVID-19 đã như một cơn bão tàn khốc. Việc cách ly xã hội đã kéo theo nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động không hiệu quả càng lộ rõ yếu kém. Những cơ sở hoạt động chiếm chi phí duy trì mặt bằng cao của Soya Garden đã không mang về lợi nhuận khi bị đóng băng hoạt động.
Chính điều này đã khiến Soya Garden "mạnh tay" hơn khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, họ đang lên kế hoạch giữ lại các cửa hàng có doanh thu tốt nhất và đóng cửa các mặt bằng kém lợi nhuận. Thay vì duy trì nhiều địa điểm với chi phí mặt bằng và vận hành lớn, Soya Garden có kế hoạch chuyển đổi mô hình nhỏ nhằm cắt giảm chi phí mặt bằng, vận hành và nhân công. Tuy vậy, Soya Garden vẫn sẽ giữ nguyên các giá trị cốt lõi và trung thành với mục tiêu dài hạn của mình.
Đặc biệt, Soya Garden sẽ đẩy mạnh việc bắt tay cùng các nền tảng số, đưa sản phẩm đến tận tay người dùng cuối. Trong kế hoạch tái cấu trúc, Soya Garden sẽ chọn hướng mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng ki-ốt để tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng.
Có thể nói, chưa biết chiến lược mới có thể giúp Soya Garden vượt qua những khó khăn trong thời kỳ mới hay không, nhưng có thể là cái cách “không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí mặt bằng và vận hành mà còn là cách Soya Garden đưa sản phẩm của mình đến gần khách hàng hơn", một chuyên gia F&B nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp có nên đầu tư vào kênh Facebook?
06:28, 11/05/2021
Soya Garden “lột xác”
11:00, 26/08/2020
Soya Garden và cuộc phiêu lưu của Shark Nguyễn Ngọc Thủy
04:00, 28/05/2020
CEO Soya Garden: Tiêu tiền của nhà đầu tư khó gấp 10 - 20 lần việc tiêu tiền của chính mình!
15:31, 14/08/2019
Soya Garden với cửa hàng 50: “Kỷ nguyên mới” tại F&B miền Nam
11:17, 26/07/2019