Khi thị trường quê nhà cạnh tranh khốc liệt, BYD đẩy mạnh thâm nhập Đông Nam Á và đạt nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, ở Việt Nam lại là câu chuyện khác.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng tại thị trường nội địa, BYD đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa, đặc biệt tại Đông Nam Á. Doanh số bán hàng của BYD tại đây hiện đã tiệm cận, thậm chí vượt qua một số hãng xe Nhật Bản như Honda và Mitsubishi ở một số thị trường chủ chốt.
Tại Đông Nam Á, từ lâu người tiêu dùng vẫn luôn ưa chuộng các thương hiệu Nhật Bản, chẳng hạn Toyota, Honda, Mitsubishi, v.v.. Tuy nhiên chỉ có Toyota là vẫn giữ vững ngôi vương, còn một số thương hiệu Nhật Bản khác đang dần lép vế trước sự xuất hiện của BYD.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu xe hơi MarkLines (Tokyo), trong tháng 4/2025, Tập đoàn Toyota (bao gồm cả thương hiệu Lexus và Daihatsu) bán được 68.377 chiếc xe tại 4 thị trường lớn là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong cùng thời gian và cùng thị trường, BYD bán ra 11.404 xe, vượt mốc 10.000 xe lần đầu tiên vào tháng 3. Nếu so sánh với Honda (14.433 xe) hay Mitsubishi (12.827 xe) thì có thể nói BYD đang rút ngắn khoảng cách đáng kể.
Riêng tại Indonesia, BYD ghi nhận doanh số 4.307 xe, vượt qua cả Honda (3.000 xe). Còn tại Thái Lan, trong tháng 5/2025 BYD bán được 6.338 xe, vượt qua Mitsubishi (2.185 xe) và suýt theo kịp 6.785 xe Honda. Trong 4 quốc gia kể trên, doanh số tháng của BYD liên tục vượt qua các thương hiệu nổi tiếng từ Nhật Bản và Hàn Quốc như Mazda, Nissan, Hyundai hay Kia.
Ông Tomoyuki Suzuki, trưởng nhóm ngành ô tô và công nghiệp Nhật Bản tại Công ty tư vấn Alix Partners (Mỹ), cho rằng xe điện Trung Quốc có thể bành trướng mạnh mẽ tại Đông Nam Á là nhờ chiến lược mở rộng thị trường mới trong bối cảnh cạnh tranh giá ngày càng khốc liệt ở Trung Quốc.
Không chỉ giảm giá xe, các hãng xe Trung Quốc còn cung cấp thêm nhiều ưu đãi như trợ cấp bảo hiểm ô tô hoặc vay lãi suất 0%. Đồng thời mức giá vừa phải của xe Trung Quốc cũng rất phù hợp với thu nhập của thị trường Đông Nam Á. Ngoài ra, việc các quốc gia như Indonesia và Thái Lan đẩy mạnh mục tiêu phát triển xe điện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trạm sạc cũng tạo nên lực đẩy đáng kể cho các hãng xe điện như BYD.
Để phù hợp với mức độ tăng trưởng doanh số nhanh chóng này, BYD đã và đang mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á. Năm ngoái, hãng khai trương nhà máy tại Rayong, Thái Lan, với công suất lên tới 150.000 xe/năm, chuyên sản xuất xe điện và xe hybrid. Ngoài ra, BYD cũng đang xây dựng một nhà máy khác tại Indonesia.
Trái ngược với đà tiến của các hãng xe Trung Quốc, một số nhà sản xuất Nhật Bản lại đang thu hẹp hoạt động tại Đông Nam Á. Nissan dự kiến đóng cửa nhà máy tại Thái Lan. Honda đang hợp nhất hai nhà máy tại quốc gia này. Nissan đang tái cấu trúc để chuyển trọng tâm sang các thị trường Mỹ và Trung Quốc, chỉ “đầu tư tối thiểu” cho thị trường Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Đại Dương.
Ở Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, BYD có thể đang có những bước phát triển thần tốc. Thế nhưng BYD tại Việt Nam là một câu chuyện hoàn toàn khác.
BYD chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào ngày 18/7/2024 với 3 mẫu xe: Dolphin (hatchback cỡ nhỏ), Atto 3 (crossover cỡ nhỏ) và Seal (sedan cỡ trung) với giá dao động từ 660 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng.
Ở thời điểm đó, đại diện BYD khá tự tin vào con đường phát triển của BYD tại Việt Nam. Thương hiệu này đặt mục tiêu đến tháng 12/2024 sẽ có 50 đại lý, năm 2025 có 70 đại lý và tiếp tục mở rộng lên 100 đại lý vào năm 2026.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến tháng 3/2025, BYD chỉ mới có 18 đại lý đi vào hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh số của BYD Việt Nam vẫn đang còn là dấu chấm hỏi. Trên đường phố, người ta cũng ít khi thấy xe BYD lăn bánh.
BYD chọn cách nhập khẩu xe, thay vì đầu tư sản xuất tại Việt Nam, từ đó khiến giá bán cao hơn, kém cạnh tranh hơn. Đồng thời, vì chưa thực sự tập trung vào thị trường Việt Nam, BYD không thể xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ sau bán hàng, khiến người dùng lo ngại về giá trị lâu dài của xe BYD. Xe hơi là một tài sản lớn và người Việt không chỉ quan tâm đến giá bán ban đầu mà còn chú trọng dịch vụ hậu mãi, chi phí sửa chữa và độ bền. Trong bối cảnh đó, một thương hiệu thiếu cam kết lâu dài, sẽ khó lòng chinh phục được niềm tin của người dùng.
Trước tình hình kinh doanh không mấy suôn sẻ tại Việt Nam, BYD tiếp tục lấn sân sang mảng xe hybrid (chạy cả xăng lẫn điện) để tìm kiếm sức bật mới. BYD Việt Nam đã giới thiệu Sealion 6 đến khách hàng vào đầu quý II/2025. Mẫu xe này có 2 phiên bản với giá bán 799 và 899 triệu đồng.
Dù xe hybrid phù hợp hơn với thói quen sử dụng xe của người Việt, nhưng chắc chắn BYD vẫn sẽ gặp những thách thức không hề nhỏ, khi trong mảng này Toyota vẫn là cái tên thống trị.
Bất chấp việc là “ngựa ô” của thị trường Đông Nam Á, BYD tại Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng. Bước đi mới với dòng xe hybrid có thể giúp hãng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ, nhưng cũng là một cuộc đua dài hơi, nơi mà uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi đóng vai trò then chốt.