Là mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch một cách bền vững. Du lịch Cà Mau đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Với quan điểm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Cà Mau tập trung phát triển du lịch phù hợp với các quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan trong tỉnh, trong vùng, trên cả nước cũng như trong khu vực.
Tỉnh Cà Mau nằm ở điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc, có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Cà Mau có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Ðá Bạc tuyệt đẹp, đầm Thị Tường thơ mộng và các di tích văn hoá, lịch sử gắn liền với truyền thống hào hùng của dân tộc.
Cà Mau có 12 di tích Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận. Trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: Nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong và nghề thủ công truyền thống Muối ba khía.
Cà Mau sở hữu 02 Vườn Quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh hạ) được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsa thế giới, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt… đã tạo cho Cà Mau tiềm năng du lịch rất lớn.
Những năm qua, đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển chung của du lịch cả nước, cùng với những đặc thù du lịch của tỉnh, tỉnh Cà Mau đã không ngừng nghiên cứu và đề ra các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững một cách đồng bộ, để đưa du lịch Cà Mau trở thành điểm đến ấn tượng.
Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Cà Mau luôn đề cao công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều di sản văn hoá phi vật thể phục vụ công tác lễ hội từng bước được phục hồi và lưu truyền. Các công trình di tích lịch sử được quan tâm đầu tư, nâng cấp, triển khai lập đề án tu bổ, tôn tạo Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và tại Lung Lá Nhà Thể…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết, để đánh thức tiềm năng du lịch hướng về thiên nhiên, sản phẩm xanh gắn với bảo vệ môi trường, Khu Du lịch Mũi Cà Mau được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đầu tư phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành trọng điểm du lịch sinh thái lớn nhất của tỉnh, là điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL, đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6 ngàn lượt; đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 22 ngàn lượt.
Hiện Ðề án "Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi”, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã được tỉnh phê duyệt và đưa vào hoạt động, với sự tham gia của cộng đồng địa phương đang khai thác hiệu quả. Cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch tự nhiên dày đặc, lượng cá tôm và các loài hải sản khác dồi dào, Ðất Mũi Cà Mau hội đủ những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch xanh bền vững.
9 tháng năm 2024, Cà Mau đã đón đón gần 1,7 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đạt 72% so kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách quốc tế 11.527 lượt, tăng 40% so cùng kỳ 2023 (8.236), đạt 89% so kế hoạch năm 2024; khách trong nước là 1.676.024 lượt, đạt 72% so kế hoạch năm 2024. Tổng thu đạt hơn 2.453 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ 2023, đạt 70,5% so kế hoạch năm 2024.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đón 2,35 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Khách quốc tế 13 nghìn lượt, khách nội địa hơn 2,33 triệu lượt; Tổng thu đạt 3.480 tỷ đồng (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất sử dụng phòng đạt từ 60% trở lên.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, đến nay các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch đã và đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư về du lịch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Cà Mau theo hướng bền vững trong hiện tại và cả tương lai.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 84 cơ sở lưu trú du lịch với 2.683 phòng (trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 947 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng). Toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 02 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành (trong đó có 06 công ty lữ hành nội địa, 01 công ty lữ hành quốc tế đã được cấp giấy phép kinh doanh; 01 Văn phòng đại diện; 02 chi nhánh).
Tại Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau cũng xác định mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức… Trong cơ hội phát triển đó, ngành Du lịch Cà Mau cũng mong muốn và mời gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch.
Cà Mau cũng xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mới, ưu đãi đầu tư những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống…
Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư phát triển phát triển giao thông đồng bộ cả đường bộ, hàng không và đường biển; bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận nơi có tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch.
Để tăng sức hấp dẫn của du lịch Cà Mau, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Cà Mau, ngành Du lịch tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng triển khai nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, các hộ du lịch cộng đồng nhằm duy trì tiêu chuẩn đã được công nhận, xếp hạng và đảm bảo chất lượng phục vụ; an ninh an toàn cho khách du lịch.
Cùng với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở kinh doanh lưu trú, các khu, điểm du lịch đẩy mạnh xây dựng phát triển sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tinh thần trách nhiệm và văn hóa giao tiếp để phục vụ tốt khách du lịch.
Cà Mau tiếp tục duy trì và phát triển trang web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (facebook, fanpage "Du lịch Mũi Cà Mau"); vận hành, khai thác và nâng cấp Cổng thông tin du lịch Cà Mau tại địa chỉ website: www.camautourism.vn, đây là kênh thông tin quảng bá du lịch hỗ trợ tối ưu phục vụ cho du khách tiếp cận, tương tác trực tiếp đến các cơ sở cung cấp dịch vụ như: các điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí; các cơ sở lưu trú du lịch, các điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch; công ty lữ hành du lịch được cấp phép; các địa điểm du lịch tự nhiên trên địa bàn tỉnh… tạo thuận lợi cho khách hàng tương tác với doanh nghiệp du lịch trong môi trường số, từng bước hiện đại hóa việc ứng dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình sự kiện "Cà Mau điểm đến năm 2024"; Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2024 và Chương trình xúc tiến Du lịch năm 2024. Tham gia các sự kiện về du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hoạt động giới thiệu điểm đến Du lịch Cà Mau tại Hà Nội, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh 2024, Hội chợ du lịch quốc tế VITM HaNoi 2024, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024…
Trong Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, ngày 17/11/2023 cũng đã nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau “Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối”, trong đó Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.