Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2019 ước tính thặng dư tới 1,7 tỷ USD, cả nước xuất siêu hơn 3,4 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 47,3 tỉ USD, tăng 3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước tính đạt 24,5 tỉ USD, tăng 6,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 22,8 tỉ USD, giảm nhẹ 0,6%.
Trong 8 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 336,56 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 ước tính thặng dư tới 1,7 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 8 tháng, cả nước xuất siêu hơn 3,4 tỷ USD. Trong 8 tháng có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN...
Có thể bạn quan tâm
12:36, 31/08/2019
16:54, 30/08/2019
10:32, 30/08/2019
Bộ Công Thương cũng đánh giá tình hình xuất khẩu thời gian qua của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng là do các doanh nghiệp đã biết tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%.
Theo kết quả điều tra sự quan tâm của doanh nghiệp với CPTPP đối với 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát, mặc dù các doanh nghiệp đã có mức độ quan tâm với CPTPP có tới 26% doanh nghiệp có tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang chiến tranh công nghệ và tiền tệ, tạo ra những áp lực lớn đối với doanh nghiệp và chính phủ.
Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường tính chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.