Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cùng 6 bị can vừa bị khởi tố có thể bị xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự.
Tối 13/5, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đang điều tra xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
Bình luận về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu, tiêu cực trong hoạt động mua sắm thiết bị y tế.
Nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự, tuy nhiên hiện nay dư luận vẫn không khỏi nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động mua sắm máy móc thiết bị trong các cơ sở y tế.
Máy móc thiết bị y tế là những dụng cụ, thiết bị thiết yếu, phục vụ trong hoạt động khám chữa bệnh, tác động trực tiếp đến hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Các loại máy móc thiết bị y tế thường có giá trị rất lớn, một máy móc thiết bị giá trị có thể tương đương với cả một tòa nhà và công dụng của nó có thể tác động đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chi phí cho hoạt động mua sắm máy móc thiết bị chiếm một phần đáng kể.
Trong khi đó, những thông tin về giá cả các loại máy máy móc thiết bị trên thị trường không minh bạch, quy trình thực hiện các hoạt động mua sắm máy móc thiết bị y tế còn nhiều bất cập; các gói thầu thiếu công khai, hoạt động tổ chức đấu thầu còn nhiều bất cập dẫn đến tiêu cực nảy sinh... Bởi vậy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý trong việc mua sắm máy móc thiết bị là cần thiết.
Việc vi phạm quy định của luật đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan, khiến hoạt động đấu thầu diễn ra thiếu công bằng, thiếu minh bạch, khuất tất, tiêu cực, có trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, gây thiệt hại đến tài sản của người khác, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Bởi vậy, các bị can bị khởi tố về "tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" cần phải bị xử lý nghiêm. Với tội danh nêu trên, với mức phạt cao nhất là 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề một thời gian nhất định và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
"Như vậy, trong vụ án này trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy hành vi của các đối tượng là tội phạm có tổ chức hoặc vì vụ lợi thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 3 năm đến 12 năm tù. Trường hợp gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên hình phạt sẽ ở khung cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm", luật sư Cường nói.
Trước đó, kết quả điều tra xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 13/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với:
Hoàng Thị Ngọc Hưởng, sinh năm 1961, tại Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm, Tổ trưởng Tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.
Nguyễn Thị Dung Hạnh, sinh năm 1969, tại Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng, Ủy viên Hội đồng mua sắm, Thành viên Tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.
Đoàn Trọng Bình, sinh năm 1960, tại Hải Phòng, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, Ủy viên Hội đồng mua sắm, Thành viên Tổ thẩm định Bệnh viện Tim Hà Nội.
Nghiêm Tuấn Linh, sinh năm 1980, tại Hà Nội, nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư, Thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trần Phú Hưng, sinh năm 1976, tại Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam.
Nguyễn Hồng Dũng, sinh năm 1982, tại Hải Dương, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên.
Nguyễn Trung Dũng, sinh năm 1989, tại Hải Dương, Chuyên viên thẩm định Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh đúng quy định pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.
Có thể bạn quan tâm
20:00, 14/05/2021