Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022.
>>Đổi mới mạnh mẽ hệ thống pháp luật kinh tế
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, ngày 3/3.
Thông tin tại cuộc họp, ông Sơn cho biết, thu NSNN tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu cũng phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp với thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trồng tăng, trồng rừng mới tăng 4,8%, sản lượng thủy sản tăng 1,3 %.
Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 51,2 điểm so với 47,4 điểm của tháng 1, thể hiện sản xuất có xu hướng phục hồi và mở rộng đơn hàng mới có thể tăng trở lại.
“Khu vực dịch vụ phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được đảm bảo, tỉ lệ hộ đánh giá thu nhập không đổi hoặc tăng so với cùng kỳ đạt 93,9%. Trong 2 tháng hỗ trợ 25 triệu đối tượng chính sách với tổng kinh phí là 9,5 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ gạo vào thời điểm Tết và giáp hạt trên 18.200 tấn.
Các sự kiện văn hóa, lễ hội dịp Tết Nguyên đán được tổ chức an toàn, lành mạnh; nhiều sự kiện tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, chuyển đổi số được tăng cường. Trong 2 tháng đã tổ chức các hội nghị triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời xúc tiến đầu tư; môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện và được đánh giá tốt trong khu vực.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, nhất là trong dịp Tết vừa qua. Hình ảnh công an, giao thông, cảnh sát giao thông được cải thiện rõ rệt.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, uy tín và vị thế của đất nước tiếp tục được nâng lên. Kịp thời cử 2 đoàn sang cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, được bạn bè quốc tế ghi nhận…
>>Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế kinh tế
>>Kinh tế 2023: Ánh sáng nơi cuối đường hầm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.
Trong đó nổi lên, như ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao; Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; Lạm phát, cạnh tranh chiến lược, tăng giá dầu, giá khí, an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, nhất là ngành chế biến, chế tạo; Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; Việc triển khai một số chính sách của 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Số vốn FDI thực hiện giảm; Thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để ở một số bệnh viện; Tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn ở vùng Tây Bắc.
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, tạo ra áp lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, năng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần: đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.
Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 02/03/2023
02:00, 02/03/2023
11:47, 01/03/2023
05:00, 01/03/2023