Các công cụ chiến lược trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Luật sư Phạm Hoài Huấn 18/02/2020 04:30

Thuật ngữ “sức mạnh thị trường” được hiểu là khả năng của doanh nghiệp có thể gia tăng giá bán lên trên mức giá cạnh tranh mà không không bị giảm doanh số quá nhiều.

Đây cũng là một trong những khái niệm cơ bản và quan trọng nhất trong pháp luật cạnh tranh. Nói một cách dễ hiểu, một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường, doanh nghiệp đó sẽ có quyền tác động đến giả cả trên thị trường theo khuynh hướng tăng hoặc giảm giá tùy vào chiến lược cạnh tranh của mình trong từng giai đoạn nhất định thông qua việc thay đổi mức sản lượng cung ứng trên thị trường liên quan.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp đơn lẻ vẫn có thể có được sức mạnh thị trường thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy vậy, khi tiến hành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (HCCT), các doanh nghiệp có nhiều công cụ để lựa chọn. Các doanh nghiệp có thể cùng nhau ấn định giá hàng hóa, dịch vụ, phân chia thị trường hoặc nguồn cung hàng hóa, thỏa thuận tẩy chay các doanh nghiệp khác. Ví dụ trong vụ việc AT.40028 – alternators and starters ngày 27/01/ 2016 của Ủy Ban Châu Âu, trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh các bên đã sử dụng hàng loạt các công cụ chiến lược, bao gồm thỏa thuận về giá, thỏa thuận phân chia khách hàng.

Theo đó, quyết định này xử lí một thỏa thuận HCCT giữa các doanh nghiệp của Nhật Bản, liên quan đến máy phát điện và bộ phận khởi động cho xe chở khách trong Khu vực kinh tế Châu Âu ("EEA"). Các bên thỏa thuận thống nhất hành động liên quan đến giá cả, phân chia khách hàng hoặc dự án và trao đổi các thông tin về mặt thương mại, chẳng hạn như yếu tố giá cả và chiến lược thị trường. Các bên cam kết sẽ tôn trọng quyền cung cấp dịch vụ của nhau ("nguyên tắc đương nhiệm") đối với một số nhà sản xuất xe hơi được gọi là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Mục tiêu chung của thỏa thuận này là để tránh sự giảm giá và ít nhất là nhằm duy trì thị phần của các bên trong EEA. Hành vi này bao gồm cung cấp cho các OEM tại EEA.

Nhìn chung, có thể phân chia các công cụ được các doanh nghiệp sử dụng trong các thỏa thuận HCCT thành hai nhóm:

Nhóm 1: Công cụ giá

Nhóm 2: Các công cụ khác

Giá cả luôn là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến hành vi của người dùng. Cũng vì vậy, giá cả cũng trở thành một công cụ cạnh tranh hữu hiệu trên thị trường. Mục đích trong dài hạn của doanh nghiệp luôn là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy vậy, tùy vào những điều kiện nhất định trên thị trường mà có những khi mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp là gia tăng lợi nhuận, nhưng cũng có khi doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận vì mục tiêu củng cố vị trí trên thị trường liên quan.

Mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được thực hiện sau khi chiến lược cung cố vị trí hoàn tất. Khi sử dụng giá làm công cụ để đạt mục tiêu gia tăng lợi nhuận, doanh nghiệp có thể cùng nhau ấn định một mức giá cụ thể hoặc thay đổi theo một khung giá nào đó. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn đạt mục đích gia tăng thị phần, nếu các điều kiện thị trường cho phép thì xét về mặt lý thuyết doanh nghiệp cũng có thể thực hiện chiến lược bán hàng giá thấp để mở rộng thị phần.

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi nhuận độc quyền và động cơ tiến hành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

    00:06, 16/02/2020

  • Thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền

    23:54, 15/02/2020

Trong khi đó, các công cụ khác phi giá cả, phổ biến nhất phải kể đến là các hoạt động mang tính tẩy chay. Tẩy chay là phương thức được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến trong các thỏa thuận HCCT nhằm mục đích ngăn cản việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới hoặc sự mở rộng qui mô của các đối thủ hiện hữu.

Vụ việc Associated Press v. United States là một vụ việc điển hình về hành vi tẩy chay. Theo đó Associated Press (AP) là một hiệp hội được thành lập bởi 1200 tờ báo. Theo đó, các thành viên thỏa thuận là sẽ chỉ chia sẻ thông tin trong nội bộ các thành viên của AP, nhưng thống nhất là không chia sẻ, trao đổi các thông tin này đối với các tờ báo không phải là thành viên của AP.

Trong thỏa thuận HCCT, các doanh nghiệp có thể thỏa thuận việc phân chia thị trường hoặc thỏa thuận phân chia khách hàng. Thông qua các thỏa thuận dạng này, các bên đã có thể loại bỏ sức ép cạnh tranh trên những khu vực thị trường đã được phân chia. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng, việc phân chia các công cụ chiến lược được sử dụng bởi các doanh nghiệp trong nhóm thỏa thuận HCCT thành công cụ giá và các công cụ phi giá cả chỉ mang tính chất tương đối.

Vì bởi, để có thể đạt mục tiêu gia tăng lợi nhuận đôi khi trên thực tế các doanh nghiệp phải phối hợp thực hiện nhiều hành vi khác nhau. Doanh nghiệp có thể giảm sản lượng để tạo sự khan hiếm giả tạo trên thị trường, sau đó tăng giá ở một mức nhất định. Hoặc trong trường hợp muốn củng cố vị trí trên thị trường liên quan, doanh nghiệp có thể thống nhất sử dụng việc tẩy chay không giao dịch với doanh nghiệp đối thủ, nhưng cũng có thể kết hợp với các chiến lược khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các công cụ chiến lược trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO