Những bất ổn chính trị và tình trạng mất điện liên tục kéo dài khiến các nhà máy may mặc của Bangladesh mất điểm trong mắt các hãng thời trang lớn thế giới.
Chỉ một số ít đối tác may mặc hàng đầu của Bangladesh tuyên bố không áp đặt các hình phạt tài chính, cũng như không chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác. Trong số này có những cái tên như Aldi South, Asda, H&M Group, OVS, Puma, Calvin Klein, PVH Corp. (chủ sở hữu Tommy Hilfiger) và VF Corp. (công ty mẹ của The North Face).
Một số nhà bán lẻ và thương hiệu khác chưa đưa ra lập trường rõ ràng. Chẳng hạn Bestseller, C&A và Ikea chỉ xác nhận rằng họ sẽ không yêu cầu giảm giá hoặc yêu cầu bồi thường các đơn hàng bị chậm trễ, hoặc hủy đơn hàng hiện tại. Levi Strauss & Co. tuyên bố Bangladesh vẫn là một quốc gia có nguồn cung ứng may mặc quan trọng, và nước này vẫn chưa gặp phải sự gián đoạn đáng kể nào về nguồn cung ứng hoặc vận chuyển “cho đến thời điểm này”.
Trong khi đó, Primark nhấn mạnh tầm quan trọng của Bangladesh nhưng không đưa ra cam kết rõ ràng về mức độ đặt hàng. Hoặc Fast Retailing (chủ sở hữu Uniqlo) nói rằng họ sẽ không hủy đơn hàng đã đặt hoặc thay đổi ngày giao hàng, ngày thanh toán mà không có sự đồng ý trước của các nhà máy.
Vẫn có những bên không phản hồi về tình trạng hiện nay, bao gồm Aldi North, The Children’s Place, Cotton On, Gap Inc., Esprit, Kmart Australia, Kohl’s, Lidl, Kontoor Brands (chủ sở hữu Wrangler), Mango, Marks & Spencer, Matalan, Next, Target Australia, Target, Tesco, TJX (nhà điều hành thương hiệu T.J.Maxx), Tom Tailor, Walmart, Inditex (chủ sở hữu Zara).
Kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh đạt giá trị 55 tỷ USD, trong đó các nhà máy may mặc đã chiếm 85%. Con số này nói lên tầm quan trọng của các đơn hàng may mặc đối với quốc gia này.
Vì bất ổn chính trị, ngành may mặc đang thất thoát khoảng 150 triệu USD mỗi ngày. Xuất khẩu hàng may mặc từ Bangladesh sang Mỹ, bạn hàng hàng đầu của họ, đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024. Hàng xuất khẩu sang EU giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 9,7 tỷ USD.
Thế nhưng theo ông SM Mannan Kochi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, vấn đề lớn hơn là có khả năng các thương hiệu và nhà bán lẻ quốc tế đang mất niềm tin vào khả năng giao hàng đúng hạn của Bangladesh, đặc biệt khi mùa tựu trường và mùa cao điểm cuối năm sắp đến.
Các thương hiệu phương Tây thường không có nhà máy riêng. Họ cân nhắc và lựa chọn từ các nhà sản xuất độc lập trên toàn cầu, miễn sao phù hợp tiêu chí. Tiêu chí có thể là chi phí, tốc độ ra hàng, khả năng sản xuất và sức bền đối với thị trường. Hay nói cách khác, các nhà bán lẻ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp hoặc bất kỳ quốc gia nào. Không có chỗ này họ sẽ đi chỗ khác.
Trước đây, Bangladesh là một trong những lựa chọn hàng đầu của các công ty thời trang vì chi phí rẻ, nhân công rẻ, miễn thuế cho Canada, EU và Anh, cùng tình hình địa chính trị tương đối ổn định. Không chỉ vậy, các chính sách định hướng thị trường thuận lợi dưới chế độ Hasian, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và các khu chế xuất, đã giúp Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và là đối thủ đáng gờm của Việt Nam.
Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, yếu tố “chính trị ổn định” đang bị xóa nhòa. Vậy nên không hề khó hiểu cho những thống kê và những dự đoán không mấy khả quan về ngành xuất khẩu may mặc của Bangladesh.
Khi các thương hiệu và nhà bán lẻ tìm đến những quốc gia khác, Việt Nam cũng nằm trong số ấy. Ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết họ cũng có nhận thêm đơn hàng mới, nhưng cũng chỉ mức độ vừa phải vì hầu như các nhà máy đều đã kín đơn. Ông dự báo đơn hàng về Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng, nhưng không phải vì nhu cầu thế giới tăng, mà vì dịch chuyển từ nước này sang nước khác.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc đơn hàng chuyển về Việt Nam là có thật. Tuy nhiên ông khẳng định xu thế này sẽ không nhiều, vì Bangladesh vẫn có lợi thế về giá, thuế và trợ cấp của chính phủ. Đồng thời, ông nhận định rằng chắc chắn chính phủ mới của Bangladesh sẽ sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ ngành dệt may, vì đây là trụ cột kinh tế của quốc gia này.
Trên thực tế, bản thân các doanh nghiệp may mặc của Bangladesh ít nhất vẫn không bất ổn. Denim Expert cho biết các đơn hàng vẫn đang được tiến hành. Còn đại diện Plummy thừa nhận các đơn hàng có chậm lại, nhưng tự tin rằng mọi thứ sẽ được cải thiện. Trong khi đó, Bitopi Group and Tarasima Apparels khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu suy giảm trong dài hạn.