Theo chuyên gia, áp dụng hệ thống báo cáo sai phạm là một giải pháp tăng tính minh bạch trong doanh nghiệp, giúp gia tăng sức cạnh tranh và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam được xếp vào nhóm ba nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong quản trị tại các doanh nghiệp hiện chưa được chú trọng một cách đúng mức.
Ông Vũ Bằng – Nguyên Chủ tịch UBCKNN, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, trong các báo cáo về quản trị doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn còn ở vị trí rất xa so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là nhận thức của chủ doanh nghiệp. Bởi do các doanh nhân đang quá tập trung phát triển doanh nghiệp, thu lợi cho cá nhân mà không chú ý đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Yếu tố trên đã gây ra các vụ xung đột về lợi ích trong nội bộ của doanh nghiệp, từ đó tác động đến chính bản thân doanh nghiệp, các cổ đông đồng thời sẽ làm mất tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường”, ông Vũ Bằng cho biết.
Theo ông Mark Bilington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, ICAEW cho rằng “Để các doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và tạo được niềm tin với nhà đầu tư thì một hệ thống báo cáo sai phạm và quản trị công ty tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng”.
Hai yếu tố này đồng thời sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp hiệu quả trong nội bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.
Hệ thống báo cáo sai phạm được đánh giá là nhân tố thành công quan trọng giúp các doanh nghiệp phòng ngừa và phát hiện gian lận, đặc biệt trong các công ty tài chính.
Hệ thống này không chỉ giúp phát hiện sai phạm trong tổ chức mà còn được sử dụng làm công cụ quản trị công ty, từ đó ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận, góp phần bảo vệ danh tiếng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
04:09, 02/06/2018
00:00, 11/05/2018
21:32, 21/04/2018
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc điều hành VIOD cho biết: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, quản trị công ty, đảm bảo tính minh bạch và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư là vấn đề cấp thiết”.
Về hiện trạng áp dụng hệ thống báo cáo sai phạm tại doanh nghiệp Việt Nam, ông Thịnh cho biết thêm hiện mới chỉ có một vài doanh nghiệp ứng dụng hệ thống này. Đặc biệt, hệ thống này được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng khá tốt theo mô hình công ty mẹ, trong khi các doanh nghiệp nội lại chỉ tồn tại ở một số ít, còn những doanh nghiệp đang thực hiện lại chỉ hoạt động hệ thống một cách cầm chừng, sơ sài thường là kênh hotline hoặc email.
Bên cạnh đó, trong hệ thống còn phải đảm bảo tính ẩn danh, bảo mật cho người báo cáo. Công ty không được có bất kỳ hành vi mang tính “trả thù” nào đối với người tố cáo.
Bà Elizabeth Richards, Giám đốc chuyên môn về Quản trị doanh nghiệp của ICAEW chia sẻ, để hệ thống cung cấp thông tin nội bộ hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải có cơ chế tốt với người tố cáo. "Trước hết, các doanh nghiệp cần chú trọng giữ bí mật cho người cung cấp thông tin, bởi trong nhiều trường hợp, việc cung cấp thông tin đồng nghĩa với sự nguy hiểm sẽ đến với họ. Hiện tại ở Anh, các doanh nghiệp đã từ chối những ưu đãi tài chính dành cho những người tố cáo, thay vào đó là hỗ trợ họ tìm việc làm mới.
Ở một số lĩnh vực như hàng không và rửa tiền, tố cáo trở thành một yêu cầu bắt buộc và những nhân viên thường có nhiệm vụ báo cáo lẫn nhau. Tại nhiều doanh nghiệp, nhiệm vụ báo cáo nội bộ được ghi vào hợp đồng lao động ký kết với nhân viên”, bà Elizabeth chia sẻ.