Người tuổi Sửu được cho là có tính điềm tĩnh, kiên cường và chăm chỉ, biết nhìn xa trông rộng. Vậy, những ngân hàng có sếp tuổi Sửu thì hiện làm ăn ra sao?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HoSE: VCB) là một trong cái tên sáng giá dẫn đầu trên thị trường tài chính ngân hàng. Và đây cũng là ngân hàng có sếp tuổi Quý Sửu làm Tổng Giám đốc.
Đó là ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1973. Ông là Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng, có kinh nghiệm 20 năm công tác trong chuyên môn tài chính ngân hàng. Ông Dũng bắt đầu làm việc tại VCB từ năm 1994 và từng giữ các vị trí Phó Chánh văn phòng Vietcombank, Phó giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại HongKong, trước khi nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT Vietcombank năm 2013. Năm 2014, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng này cho đến nay.
Trong thời gian ông Dũng đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc, dưới định hướng của ông Nghiêm Xuân Thành -Chủ tịch HĐQT, HĐQT và Ban điều hành đã dẫn dắt Vietcombank đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế riêng lẻ liên tục, từ 4.565 tỷ đồng năm 2014, lên tới 18.446 tỷ đồng năm 2020. Tổng tài sản cũng tăng 1,3 lần lên 1,3 triệu tỷ đồng.
Năm 2020 là năm đầu tiên lợi nhuận của VCB không tăng trưởng, một phần do nhà băng này thực hiện hạ lãi suất tới 5 lần để hỗ trợ khách hàng, đồng thời trích lập dự phòng tín dụng lên mức kỷ lục 380%.
Theo đó, luỹ kế cả năm 2020, VCB báo lãi trước thuế hợp nhất đạt 23.044 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 23.122 tỷ đồng của năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán, Vietcombank dù có tỷ lệ kiểm soát chi phối của NHNN, nhưng là mã cổ phiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư ưa thích " cổ phiếu vua". Ở thời điểm giữa tháng 12/2020, cổ phiếu VCB đã tăng trưởng và đạt mức 99.900đ/cổ phiếu (ngày 14/12). So với mức giá hồi tháng 3/2020, cổ phiếu VCB đã tăng khoảng 77% và là mức giá cao nhất từ trước đến nay của VCB, tính theo giá điều chỉnh.
Vốn hóa thị trường của VCB ở thời điểm này đã tăng lên 370 nghìn tỷ đồng, vượt qua con số 368 nghìn tỷ đồng của Vingroup và trở thành công ty có vốn hóa thị trường cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một ngân hàng khác, NHTMCP Sài Gòn- Hà Nội (HNX: SHB) cũng có Tổng Giám đốc tuổi Quý Sửu. Đó là ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT. Ông Lê là Tiến sĩ Kinh tế với 23 năm kinh nghiệm quản lý điều hành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Thạnh Thắng – Cần Thơ, kiểm toán viên Công ty AFC và nhiều vị trí tại các công ty thành viên khác gắn bó với SHB và Tập đoàn T&T của doanh nhân, ông bầu Đỗ Quang Hiển.
Ông Lê được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc từ năm 2007, tức đã có tới 14 năm giữ ghế điều hành cấp cao tại ngân hàng này.
SHB ở thời ông Lê điều hành đã từng trải qua thương vụ sáp nhập ngân hàng Habubank và tái cơ cấu thành công.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của SHB, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt 412,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 17.558 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 3.412 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch cổ đông đề ra, tăng 12,8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019.
Đáng chú ý, SHB cho biết đến tháng 10/2020, đã hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank trong năm 2020, đưa nợ xấu riêng lẻ xuống mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cũng chỉ ở mức 1,71%.
Trên thị trường, cổ phiếu SHB đã có cuộc leo dốc ngoạn mục từ khoảng 7.000đ/cp vào tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, đạt tới trên 15.000đ/cp và hiện vẫn đang giao dịch quanh 15.5, tức giữ vững thị giá giao dịch gấp 2 lần so với hồi đầu năm trước.
Một nữ Tổng Giám đốc cũng rất mát tay trong tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng, là doanh nhân Sao Đỏ Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB). Vị nữ CEO này cũng sinh năm Quý Sửu (1973), bà là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng.
Bà Diễm làm việc tại STB từ năm 2002, trải qua nhiều vị trí như kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ. Bà Diễm được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc STB từ tháng 7/2017.
Trong 4 năm điều hành STB, bà Diễm đã đưa STB tăng trưởng lợi nhuận hơn 1,6 lần, từ mức 1.000 tỷ đồng năm 2017 lên hơn 2.600 tỷ đồng năm 2020. Tổng tài sản tăng 33% lên 492.636 tỷ đồng.
Năm 2020 lợi nhuận trước thuế của STB đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2019 và vượt 30% so với kế hoạch. Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều có tăng trưởng khả quan.
2020 cũng là năm nổi sóng của cổ phiếu STB, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm khi tin đồn thâu tóm được lan trên thị trường. Cổ phiếu STB cũng đã có thời điểm về sát đáy với khoảng 7.000đ/cp trong khoảng tháng 4/2020 nhưng đến hiện tại, sau những đợt nổi sóng vì tin đồn mà thực chất có thể là nỗ lực bán ra thu hồi nợ để bù đắp lợi nhuận của một số TCTD như Kienlongbank, STB đã hồi giá có thời điểm về tới trên 21.000đ/cp. Hiện STB đang giao dịch quanh 18.7 và tiếp tục được đánh giá cao bởi khả năng xử lý, thu hồi nợ, tái cơ cấu dưới thời nữ CEO tuổi Quý Sửu cùng Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.
Ngoài các Lãnh đạo đứng đầu 3 ngân hàng trên, nhiều Sếp ngân hàng khác cũng "cầm tinh" tuổi Sửu như ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank; Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Viet Capital Bank; bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank; ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc ACB; bà Nguyễn Hương Loan, Phó Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Thanh Tùng; Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank và một số Lãnh đạo Phó Tổng Giám đốc của ABBank...
Có thể bạn quan tâm