Từ trước đến giờ, các thương hiệu điện thoại lớn Trung Quốc thường “tránh” đối đầu trực diện với iPhone, nhưng lần này tình hình đã bắt đầu thay đổi.
Thời gian gần đây, một hiện tượng “lạ” đã lan rộng khắp thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc: sáu thương hiệu hàng đầu của quốc gia này vừa lần lượt ra mắt các mẫu điện thoại chủ lực trong năm. Chuỗi sự kiện bắt đầu với dòng X200 của Vivo vào ngày 14 tháng 10, tiếp theo là Find X8 của Oppo vào ngày 24 tháng 10. Xiaomi đã ra mắt dòng 15 của mình vào ngày 29 tháng 10, trong khi Magic 7 và iQOO 13 của Honor tham gia cuộc chiến vào ngày 30 tháng 10. OnePlus đã kết thúc làn sóng này bằng việc phát hành OnePlus 13 vào ngày 31 tháng 10.
Thông thường, các thương hiệu Trung Quốc sẽ cập nhật các mẫu điện thoại chủ lực của họ vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1, giãn cách các lần ra mắt để tối đa hóa sự chú ý và tương tác của giới truyền thông. Tuy nhiên năm nay, tất cả họ đều đồng lòng ra mắt sớm hơn đến cả hai tháng. Nguyên nhân?
Sở dĩ các thương hiệu hành động như vậy là vì họ đang tận dụng sự kiện mua sắm lớn nhất của Trung Quốc - Ngày lễ độc thân 11/11. Đồng thời, họ cùng bắt tay để chống lại một đối thủ chung: iPhone 16 của Apple.
Việc các thương hiệu điện thoại Trung Quốc trước đây thường ra mắt mẫu điện thoại chủ lực vào tháng 11 đến tháng 1 cũng chính là để tránh iPhone của Apple. Nhưng lần này, sự ra mắt sớm và triển khai mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực này báo hiệu rằng các thương hiệu Trung Quốc hiện đang trực tiếp thách thức sự thống trị của Apple tại thị trường quê nhà.
Nhận thấy điều đó, Apple đã phản công bằng một đợt điều chỉnh giá hiếm hoi. Trong tháng đầu tiên ra mắt iPhone 16, công ty đã đưa ra mức giảm giá lên tới 1.600 Nhân dân tệ (224 đô la Mỹ) thông qua chương trình đổi máy cũ lấy máy mới. Khi cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt, CEO Apple Tim Cook đã thực hiện chuyến đi thứ hai tới Trung Quốc vào tháng 10 năm nay, gặp gỡ nhân viên bán lẻ nhằm mục đích củng cố lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc.
Đối đầu trực diện với Apple
Trong những năm qua, các thương hiệu Trung Quốc định vị các sản phẩm chủ lực của họ như là những lựa chọn thay thế bổ sung cho các sản phẩm của Apple. Nhưng năm nay, tham vọng của họ còn lớn hơn. Các thương hiệu Trung Quốc thiết kế những mẫu mới, tập trung vào cả tính thẩm mỹ và tích hợp hệ sinh thái để cạnh tranh trực tiếp với Apple.
Điểm nổi bật trong sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc là màn hình lớn và thiết kế nặng, khác với các thiết kế nhỏ gọn của Apple. Lần này, Vivo's X200 Pro Mini ra mắt như một mẫu flagship nhỏ hơn, bóng bẩy hơn. Khi ra mắt, Vivo thậm chí còn hài hước mô tả nó “giống Apple”. Hiển thị đồ họa màu cam sáng trên màn hình ám chỉ táo bạo đến logo của Apple.
Các thương hiệu khác cũng đã chuyển sang màn hình phẳng nhỏ hơn cho các sản phẩm chủ lực của mình, tránh xa màn hình cong quá khổ. Họ cũng cùng nhau giảm trọng lượng và độ dày để có cảm giác thanh mảnh hơn.
Hệ sinh thái khép kín của Apple từ lâu đã là rào cản, nhưng năm nay, các thương hiệu Trung Quốc đang thách thức điều đó bằng khả năng tương tác. Dòng Find X8 mới của Oppo bao gồm tính năng “chạm và chia sẻ” tương tự như AirDrop, cho phép truyền tệp giữa các thiết bị Oppo và Apple.
Ngoài ra, Oppo hỗ trợ định dạng “live photo” của Apple, giúp việc trao đổi tệp giữa các hệ thống Android và Apple trở nên liền mạch. Theo Pete Lau, giám đốc sản phẩm của Oppo, mục tiêu là thu hút người dùng Apple và tránh xa sự cạnh tranh về phần cứng truyền thống.
Trong khi đó, Xiaomi đang nhắm đến người dùng hệ sinh thái tất cả trong một của Apple. Tính năng kết nối của nó cho phép truyền tệp và ảnh giữa các thiết bị Apple và dòng 15 của Xiaomi, đồng thời cho phép người dùng phản chiếu giao diện của Xiaomi trên máy tính Apple.
Chạy đua trong cuộc đua AI
Việc Apple trì hoãn triển khai tính năng trí tuệ nhân tạo “Apple Intelligence” đã làm giảm bớt sự phấn khích của người tiêu dùng. Bằng chứng là tại Mỹ, doanh số bán hàng bốn tuần đầu tiên của iPhone 16 đã chậm hơn so với iPhone 15 của năm ngoái (theo dữ liệu của Counterpoint).
Tại Trung Quốc, Apple Intelligence dự kiến sẽ không ra mắt cho đến tận tháng 4 năm 2025. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các thương hiệu Trung Quốc được đà tiến lên trước trong cuộc đua AI.
Những năm vừa rồi, các thương hiệu Trung Quốc đã tăng cường tận dụng tính năng AI cho dòng điện thoại thông minh. Lúc đầu họ chỉ sử dụng các tính năng AI độc lập, chẳng hạn như xóa nền, sau đó họ chuyển sang chức năng AI tích hợp sâu, cấp hệ thống. Đến năm 2024, chức năng AI không còn giới hạn trong các ứng dụng mà được tích hợp vào hệ điều hành.
Ví dụ, ColorOS 15 của Oppo đã giới thiệu tính năng “một cú nhấp chuột” cho phép người dùng giữ nút để triệu hồi các công cụ AI thực hiện các tác vụ như chỉnh sửa hình ảnh, tạo nội dung và tóm tắt tài liệu.
Dòng X200 của Vivo cung cấp tính linh hoạt tương tự để kích hoạt AI, bằng việc giữ hai ngón tay trên thanh điều hướng. OriginOS 5 của Vivo cũng bao gồm tính năng “Atomic Island” - một trung tâm AI tích hợp, gợi nhớ đến “Dynamic Island” của Apple.
MagicOS 9.0 của Honor đưa AI tiến xa hơn nữa, hỗ trợ các chức năng liên ứng dụng và liên hệ sinh thái. Tổng giám đốc điều hành Zhao Ming đã trình diễn một số tính năng độc đáo tại buổi ra mắt, bao gồm lệnh thoại để đặt 2.000 tách cà phê hoặc hủy gia hạn tự động cho các ứng dụng.
Khoản đầu tư vào AI là đáng kể. Theo viện nghiên cứu AI toàn cầu của Vivo, tổng chi tiêu của công ty cho AI vượt quá 23 tỷ RMB (3,2 tỷ USD). Zhao cho biết trải nghiệm AI của Honor vượt trội hơn Apple tại thị trường Trung Quốc, tương tự như lợi thế mà Apple từng có so với Android về khả năng kết nối.
Kết luận
Cuộc cạnh tranh giữa điện thoại Android và Apple tại Trung Quốc đang ngày càng gay gắt, dữ liệu gần đây cho thấy thời cuộc đang dần thay đổi. Báo cáo quý 3 năm 2024 của Counterpoint cho thấy thị phần của Apple đã giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước xuống còn 13,5%, trong khi các thương hiệu trong nước tăng: Thị phần của Vivo tăng 10%, Huawei tăng 30% và Xiaomi tăng 13%, mặc dù Oppo và Honor có sự sụt giảm nhẹ.
Các thương hiệu Trung Quốc đang nhắm đến nhóm người dùng cốt lõi của Apple: những người dùng iPhone tiêu chuẩn đang ngày càng nâng cấp lên các mẫu Pro và Pro Max. Dữ liệu thị trường cho thấy doanh số bán iPhone 16 Pro và Pro Max tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, đây chính là phân khúc mà các thương hiệu Trung Quốc đang cạnh tranh để chiếm lĩnh.
Khi thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc ngày càng bão hòa và áp lực chuỗi cung ứng gia tăng, các thương hiệu Trung Quốc không còn nhiều dư địa. Việc các thương hiệu trong nước tranh giành quyền thống trị trên thị trường điện thoại cao cấp là điều dễ hiểu.