Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM 09/12/2019 03:30

Trong thực tế, không hiếm trường hợp một bên không thực hiện đúng hợp đồng đã được giao kết hợp pháp và viện dẫn sự kiện bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng.

Tình tiết sự kiện: Công ty Hàn Quốc (Nguyên đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua). Nguyên đơn đã thực hiện giao số hàng nêu trên như đã thỏa thuận với Bị đơn nhưng Bị đơn không thực hiện việc thanh toán. Trước yêu cầu thanh toán tiền theo hợp đồng, Bị đơn viện dẫn lý do là có sự kiện bất khả kháng nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

sffg

Bên không thực hiện đúng hợp đồng không có nhiều cơ hội thành công khi khai thác sự kiện bất khả kháng, nhất là liên quan đến nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền.

Theo Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015, “cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng” và “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. 

Theo quy định hiện hành, nếu việc không thực hiện đúng hợp đồng xuất phát từ sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, theo Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015, “trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự” (khoản 2). Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định tương tự tại Điều 294 theo đó “Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng” (điểm a khoản 1).

Tuy nhiên, để không phải chịu trách nhiệm, bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thực sự trong tình huống có sự kiện bất khả kháng. Trong vụ việc nêu trên, tính đến thời điểm giải quyết tranh chấp, Bên mua mới thanh toán 200.000 USD. Bị đơn lập luận việc không thực hiện việc thanh toán là do những sự kiện bất khả kháng và hệ lụy từ những sự kiện như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm cho kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn trong đó Bị đơn rơi vào thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả; Kinh tế thế giới suy giảm mạnh dẫn đến ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy các hợp đồng đóng tàu, Bị đơn không nhận được khoản thanh toán để thanh toán cho Nguyên đơn.... Có thực sự việc không thanh toán của Bên mua như nêu trên là do sự kiện bất khả kháng?

Luật Thương mại năm 2005 sử dụng khái niệm “sự kiện bất khả kháng” nhưng không đưa ra định nghĩa. Điều luật nêu trên của Bộ luật dân sự cũng như vậy nhưng Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Ở đây, để có sự kiện bất khả kháng thì phải hội đủ các điều kiện sau: thứ nhất, có một sự kiện xảy ra một cách khách quan; thứ hai, sự kiện này không thể lường trước được; thứ ba, sự kiện vừa nêu là không thể khắc phục được.

Trong thực tế về không thực hiện đúng hợp đồng, rất hiếm khi cơ quan tài phán chấp nhận có sự kiện bất khả kháng và thường là cơ quan tài phán không chấp nhận có sự kiện bất khả kháng. Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng thứ hai vừa nêu trong vụ việc trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Xác định mức phạt vi phạm hợp đồng

    Xác định mức phạt vi phạm hợp đồng

    04:50, 08/12/2019

  • Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

    Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

    11:01, 01/12/2019

  • Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

    Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

    14:23, 25/11/2019

  • Thời điểm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo thỏa thuận

    Thời điểm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo thỏa thuận

    04:50, 20/10/2019

Ở đây, theo Hội đồng Trọng tài, “Hội đồng Trọng tài nhận thấy, trong Bản tự bảo vệ, Bị đơn liệt kê 10 sự kiện (được xếp thứ tự từ Mục a đến Mục j của Phần 3 của Bản tự bảo vệ) mà Bị đơn cho là bất khả kháng và hệ lụy của bất khả kháng, tuy nhiên, Bị đơn đã không cung cấp được căn cứ pháp lý cũng như không cung cấp được chứng cứ chứng minh về các sự kiện bất khả kháng đó”.

Cụ thể, về sự kiện mà Bị đơn cho là bất khả kháng, được Bị đơn nêu tại Mục a Phần 3 trong Bản tự bảo vệ, là “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm cho kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn, toàn tập đoàn V chịu tác động năng nề và Bị đơn – đơn vị chủ lực của tập đoàn V - rơi vào thua lỗ, mất khả năng chi trả”, Hội đồng Trọng tài xét rằng “cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008, còn hợp đồng giữa Bị đơn và Nguyên đơn được ký vào năm 2009 (ngày ký là ngày 28/04/2009), tức là hợp đồng 2009 này được ký sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra.

Như vậy thì Bị đơn không thể cho rằng sự kiện này là bất khả kháng vì nó xảy ra trước khi Bị đơn ký hợp đồng với Nguyên đơn cho nên nó không còn là sự kiện xảy ra mà Bị đơn không thể lường trước được (như quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự của năm 2005) cũng như không thể không dự đoán được về những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 và sau đó một năm, vào năm 2009, Bị đơn vẫn ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Nguyên đơn, trong trường hợp này, không thể coi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008 cùng các hệ lụy của nó là sự kiện bất khả kháng.

Vì vậy, Hội đồng Trọng tài thấy chưa có đủ cơ sở để cho rằng sự kiện mà Bị đơn nêu tại Mục a Phần 3 trong Bản tự bảo vệ là bất khả kháng”.

Tương tự, đối với lý do liên quan đến kinh tế thế giới suy giảm dẫn tới những hệ lụy của ngành vận tải viễn dương, Hội đồng Trọng tài cho rằng “cũng không có cơ sở, bởi vì tình hình kinh tế thế giới suy giảm mạnh dẫn đến ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng đóng tàu là do tác động của cuộc khủng hoảng chính toàn cầu năm 2008 và Bị đơn không thể không lường trước được về tình hình này khi ký hợp đồng 2009”.

Đối với 8 sự kiện còn lại, theo Hội đồng Trọng tài, “8 sự kiện này không phải là bất khả kháng cũng không phải là các căn cứ miễn trách cho Bị đơn, bởi vì, các sự kiện này liên quan đến các hoạt động trong nội bộ của tập đoàn”.

Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định không có sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc Bên mua không thanh toán tiền. Thực ra, để có sự kiện bất khả kháng thì phải hội đủ cùng một lúc 03 điều kiện nêu trên trong khi đó 03 điều kiện này không hội đủ cho từng sự kiện mà Bên mua viện dẫn: có sự kiện không mang yếu tố khách quan, có sự kiện lại có thể lường trước được.

Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng liên quan đến việc viện dẫn lý do bất khả kháng để lý giải cho việc không thực hiện đúng hợp đồng: Bên không thực hiện đúng hợp đồng không có nhiều cơ hội thành công khi khai thác sự kiện bất khả kháng, nhất là liên quan đến nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền.

Trong kinh doanh thương mại, các bên có thể thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng nên, để tránh những khó khăn về việc đánh giá có tồn tại hay không sự kiện bất khả kháng như chúng ta đã thấy trong vụ việc trên, các bên có thể đưa vào hợp đồng những yếu tố được coi là bất khả kháng hay những yếu tố không được coi là bất khả kháng.

Trích cuốn sách "Giải quyết tranh chấp hợp đồng -  Những điều doanh nhân cần biết" - VIAC. Sách được phân phối trên tiki theo link: https://tiki.vn/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-nhung-dieu-doanh-nhan-can-biet-p25961047.html

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO