Nếu chúng ta tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện cách mạng 4.0 cả phía Chính phủ cũng như doanh nghiệp, thì sẽ tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ khẳng định với Diễn đàn Doanh nghiệp: Chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm để hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số trên nền tảng điều hành của chính phủ điện tử. Nhưng với một quốc gia trẻ, năng động và nhiều nhu cầu, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm có được thành công để vươn tới thịnh vượng.
- Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ đã xuất hiện mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Thưa Phó Thủ tướng, Việt Nam cần làm những gì để hình thành và phát triển mô hình này?
Kinh tế chia sẻ là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Thời điểm Uber và Grab xuất hiện ở Việt Nam để cung ứng dịch vụ taxi công nghệ cho thấy hình hài rõ hơn về loại hình kinh tế này.
Với Việt Nam, kinh tế chia sẻ đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích như tạo điều kiện cho người tiêu dùng ở mọi vùng miền trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ với chi phí rẻ. Ngoài ra, mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sức sáng tạo để đất nước tiến lên phía trước nhưng không ai bị bỏ lại phía sau, mọi người đều được hưởng thành quả của phát triển.
Cách mạng công nghệ và số hoá đang từng bước thay đổi nền kinh tế, xã hội của chúng ta. Chính phủ đã và đang góp phần không nhỏ trong việc phát triển tiềm năng của kỹ thuật số thông qua hàng loạt văn bản chính sách như Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử hay Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Tính đến cuối tháng 3/2018, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao di động và 12,2 triệu thuê bao băng thông rộng cố định internet và ngày càng tăng lên trong tương lai là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Nếu chúng ta tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện cách mạng 4.0 cả phía chính phủ cũng như doanh nghiệp, thì sẽ tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế trong năm 2019.
Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 01/2018 và cá nhân tôi đang chủ trì việc xây dựng, hoàn thiện Đề án kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển. Trong năm qua, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ trong việc này. Phương châm như Thủ tướng nhấn mạnh là phải nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, nhưng phải bắt đầu từ những việc nhỏ và có hiệu quả lớn.
Tháng 8/2018, Thủ tướng đã thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng và một Phó Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp. Kết quả triển khai trong năm 2018 rất tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chính phủ điện tử.
Tập trung xây dựng nền tảng nhằm phát triển chính phủ điện tử và một số hệ thống tin cho người dân và doanh nghiệp cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó có hai hệ sinh thái rất quan trọng, đó là nền tảng phát triển chính phủ điện tử và khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xây dựng bước đầu nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin với nhau. Đó là đề án tích hợp chia sẻ dữ liệu về tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành địa phương trên cơ sở phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã tiến hành được một bước triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử. Cụ thể, cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, tài chính, bảo hiểm và cơ sở quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó cơ sở thông tin đăng ký doanh nghiệp đã được đưa vào vận hành từ năm 2010.
- Kinh tế số có tác động thế nào đến cách thức điều hành của Chính phủ, thưa Phó Thủ tướng?
Trên nền tảng công nghệ và nhu cầu của người dân đã xuất hiện các hình thức kinh doanh mới mà nhà nước chưa thể quản lý, “quan sát” hết được. Các mô hình kinh tế chia sẻ này đặt ra nhiều thách thức trong bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, kiểm soát việc minh bạch về thông tin, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ, chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội...
Do đó, đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đi liền với “nâng cấp” công cụ quản lý là chính phủ điện tử như tôi nói ở trên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Chúng ta đang thúc đẩy triển khai hệ sinh thái cho Chính phủ điện tử, đó là đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động cơ quan nhà nước. Trong đó, đã triển khai rất nhiều các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Đến quý IV/2018, các bộ, ngành địa phương đã cũng cấp được 1.721 dịch vụ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 45.247 dịch vụ.
Có thể bạn quan tâm
13:00, 26/01/2019
16:10, 17/01/2019
17:07, 10/01/2019
12:00, 02/01/2019
04:00, 02/01/2019
Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống tiếp nhận trả lời phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, triển khai các hệ thống phục vụ cơ quan quản lý nhà nước như kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử trong hệ thống hành chính nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thiết lập hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ và hệ thống thông tin tham vấn chính sách.
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 nâng cao năng lực, phòng chống phần mềm độc hại và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 4/7/2018 về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, quyết định 1017/QĐ-TTg ngày 14/8/2018 phê duyệt đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống dịch vụ công nghệ thông tin.
Nếu chúng ta tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện cách mạng 4.0 cả phía chính phủ cũng như doanh nghiệp, thì sẽ tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế trong năm 2019, đây là dư địa chúng ta mong đợi vì nhận thấy có tiềm năng trong lĩnh vực này. Chắc chắn rằng, năng suất, chất lượng của công tác điều hành cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên, đặc biệt tôi trông chờ sự phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao như logistics, công nghiệp vui chơi giải trí, công nghiệp văn hóa, hay các dịch vụ liên quan đến tài chính, ngân hàng trong năm 2019.
- Cách mạng 4.0 đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi lớn này. Phó Thủ tướng nhìn nhận thế nào về cơ hội và thách thức đối với khát vọng thịnh vượng của Việt Nam?
Nước Việt Nam kể từ khi được sáng lập bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bùng lên khát vọng thịnh vượng, bình đẳng với các quốc gia khác trên thế giới và là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Chính phủ mới đây tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ nhất cũng nhấn mạnh lại khát vọng Việt Nam thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập.
Chúng ta có nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, kinh tế tăng trưởng nhanh và hướng vào thay đổi về chất lượng tăng trưởng. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay sẽ là một động lực mới quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội hơn là thách thức đến từ bên ngoài nếu biết phát huy được sức sáng tạo và trí tuệ của người Việt để tận dụng các thành quả của nhân loại, góp phần củng cố và tăng cường được nội lực của quốc gia.
Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ đề cao đoàn kết dân tộc mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác. Muốn hiện thực hóa điều này, Việt Nam sẽ phải tích cực, chủ động hội nhập với bên ngoài theo đúng chủ trương của Đảng và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, củng cố nội lực quốc gia, khơi dậy khát vọng và nỗ lực sáng tạo của cá nhân, nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không hẳn không có những thách thức, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển là chất lượng thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cơ sở hạ tầng. Để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng mới của Việt Nam trong thập niên tới.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!