Sáng 24/9, VCCI Thanh Hóa phối hợp với Viện tin học doanh nghiệp; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức nào cho DNNVV
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: vật lý, số hóa và sinh học, giúp xóa nhòa ranh giới và kết nối vạn vật với nhau. Đây sẽ là cơ hội để các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách và theo kịp các nước phát triển nếu tận dụng tốt các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Tuy nhiên, theo ông Phòng, cuộc cách mạng này cũng mang lại những thách thức lớn, đó là tạo nên sự bất bình đẳng và phá vỡ thị trường lao động. Những ưu thế về lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ ở thị trường Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng sẽ mất đi ưu thế. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, dự báo trong khoảng 15 năm tới, thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để nắm bắt xu thế để thay đổi và phát triển.
Tại hội thảo, với trên 300 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt các sở ban ngành và các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã có những thảo luận sôi nổi về cách mạng công nghiệp 4.0, như: Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Thanh Hóa; các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thanh Hóa cần làm gì để ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... cũng như cơ chế hành lang pháp lý nào để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả nhất.
Đại diện Công ty TNHH Aenomed Việt Nam cho biết: là một doanh nghiệp nhỏ, với quy mô chưa đến 40 cán bộ công nhân viên, khi chúng tôi tiếp cận công nghệ 4.0 nhận được thuận lợi cũng như nhiều khó khăn thách thức. Với công nghệ cao, hiện đại, đi đôi với việc cần một nguồn vốn đầu tư lớn, rất khó cho doanh nghiệp nhỏ về tài chính trong thời gian đầu, cũng như khó khăn cho thu hồi vốn cũng như có ý định phát triển mở rộng. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ cũng như tiếp cận được nguồn vốn của nhà nước để tham gia và hòa nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong buổi thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được truyền đạt các nội dung liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử của Thanh Hóa để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân; giới thiệu các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ...
Tại buổi hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định rõ những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho tỉnh Thanh Hóa là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, những thách thức mà các doanh nghiệp trong tỉnh phải đối mặt cũng không nhỏ. Trong bối cảnh đó lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao VCCI Thanh Hóa đã chủ động phối hợp tổ chức hội thảo. Đây là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng thảo luận, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm trong việc nhận diện rõ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đây sẽ là những đối tượng trực tiếp chịu tác động trực tiếp với những cơ hội và thách thức đan xen nhau. Từ đó, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp có biện pháp, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh nền kinh tế số, xã hội số. Từ đây, các doanh nghiệp cũng sẽ nâng cao hiểu biết, chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, mô hình quản trị phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ số.