Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này.
Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đây có thể coi như một kỷ nguyên đổi mới, kỷ nguyên làm nên kỳ tích của Việt Nam. Chúng ta đã giải phóng được một nguồn lực rất lớn để Việt Nam có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.
Trong giai đoạn 2026 - 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp sẽ gồm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại. Dự kiến, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là khoảng 2.500 người, ở cấp xã là khoảng 27.900 người, còn số cán bộ không chuyên trách dôi dư ở cấp xã là khoảng 16.000 người…
Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại đơn vị hành chính thì việc sáp nhập một số huyện, xã là để tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng cường liên kết vùng, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý nhà nước.
Theo PGS, TS Lê Minh Thông, trong 7 định hướng vươn mình của dân tộc đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, thì có tới 4 định hướng lớn liên quan đến vấn đề thể chế. Như vậy, thể chế là điểm nghẽn căn bản. Đặc biệt, cái gốc của thể chế là hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị là khâu đột phá trong tạo ra động lực phát triển mới. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự.
Về đổi mới tổ chức, phải khắc phục một cách quyết liệt sự song trùng bộ máy. Nếu không làm quyết liệt việc này thì bộ máy vẫn cồng kềnh. Để khắc phục được việc song trùng bộ máy, PGS, TS Lê Minh Thông đề nghị một số vấn đề.
Thứ nhất, Đảng phải sử dụng bộ máy Nhà nước như một cơ quan tham mưu trực tiếp và quan trọng nhất của mình để tinh gọn bộ máy của Đảng.
Thứ hai, nghiên cứu để nhất thể hoá các chức vụ lãnh đạo giữa Đảng vào bộ máy Nhà nước, theo nguyên lý trong một tổ chức trong một địa phương thì chỉ có một người đứng đầu.
Thứ ba, người đứng đầu các tổ chức Đảng, cơ quan tham mưu của Đảng đồng thời đứng đầu những cơ quan tương ứng của bộ máy Nhà nước. Như vậy, vừa tinh gọn được bộ máy vừa liên thông với nhau, khắc phục được tính chồng chéo, mâu thuẫn trong bộ máy.
Khâu đột phá tiếp theo trong bộ máy chính trị là Nhà nước. Chúng ta phải chuyển tư duy từ quyền sang sang tư duy nghĩa vụ và phục vụ. Nhà nước cần tư duy, chỉ làm những việc xã hội, nền kinh tế và doanh nghiệp không làm được.
Từng bộ phận trong bộ máy Nhà nước cũng phải tinh gọn, đơn cử như Quốc hội. Hiện nay, bộ máy hoạt động của Quốc hội so với Chính phủ không quá lớn, nhưng đang có xu hướng đi sâu vào chuyên ngành. “Đã đến lúc Quốc hội cần tổ chức bộ máy hoạt động trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực thì mới sắp xếp, tinh gọn lại được các uỷ ban”, PGS, TS Lê Minh Thông đề xuất.
Đặc biệt, Quốc hội cần thay đổi tư duy lập pháp, Quốc hội chỉ xây dựng luật trong phạm vi được Hiến pháp quy định và phải tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ. Luật Quốc hội ban hành phải ổn định, lâu dài, không chi tiết hoá vì nếu chi tiết hoá sẽ tự “bó chặt” sự phát triển, mà nên trao quyền năng động này cho Chính phủ.
Đối với Chính phủ, phải sắp xếp tinh gọn hơn bộ máy Chính phủ. Theo cách làm hiện nay là để các cơ quan tự đề xuất tinh gọn thì không hiệu quả.
Đối với chính quyền địa phương, chúng ta phải kiên nhẫn, kiên trì đa dạng hoá mô hình chính quyền địa phương, đồng thời phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương.
Cuối cùng, điểm “then chốt” của đổi mới bộ máy theo PGS, TS Lê Minh Thông đó chính là con người. “Đổi mới công tác cán bộ là chìa khoá, vì cán bộ là gốc của vấn đề, then chốt của then chốt. Cho nên, chúng ta cần tập trung đổi mới sâu sắc hơn công tác cán bộ để cán bộ được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh và thực sự đáp ứng được yêu cầu vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới”, ông Thông khẳng định.
Chúng ta đã quen thuộc với cụm từ “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Đây là “chìa khoá” làm gọn lại hệ thống bộ máy. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, bộ máy cồng kềnh đến mức chúng ta phải dành tới 70% ngân sách để nuôi bộ máy, như vậy còn đâu để đầu tư công.
Như vậy, để có được một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu thiết thân trong công cuộc vươn mình này. Và để có được kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì từ khoá hiện nay cần giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đó là thể chế và hướng tới tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.