Việc áp dụng án lệ vào thực tiễn sẽ góp phần đột phá tư duy áp dụng pháp luật tại Việt Nam.
>>Áp dụng án lệ để mang lại công lý thay vì chỉ tuân theo pháp luật
Đó là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự - Trường ĐH Luật TP HCM, Thành viên Hội đồng tư vấn án lệ TANDTC, thành viên VIAC với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Đại khẳng định: Hiện nay khung pháp lý để áp dụng án lệ tại Việt Nam đã khá đầy đủ. Cụ thể, Luật tổ chức Tòa án, BLDS, BLTTDS, Luật tố tụng hành chính đã có quy định về khả năng áp dụng án lệ. Trong lĩnh vực hình sự, BLHS và BLTTHS chưa đề cập tới án lệ nhưng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán về án lệ cho phép áp dụng án lệ cả trong lĩnh vực hình sự và thực tế đã có nhiều án lệ về hình sự được ban hành, được áp dụng trong thực tiễn.
Trong số các bản án, quyết định được công bố trên trang Công bố bản án của Tòa án, đã có khoảng 1300 bản án, quyết định áp dụng án lệ. Cơ chế Trọng tài cũng thường xuyên áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp. Đó là những tín hiệu tích cực về áp dụng án lệ tại Việt Nam.
- Nhiều năm trở lại đây, cải cách tư pháp Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn, và một trong số đó là việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, ông đánh giá sao về vấn đề này?
Việc áp dụng án lệ ở Việt Nam là một bước tiến lớn trong cải cách tư pháp. Việc này gián tiếp thúc đẩy Tòa án công bố các bản án để từ đó có thể phát triển thành án lệ (trên trang Công bố bản án của Tòa án đã có khoảng 800.000 bản án/quyết định được công bố) và từ đó dần dần cải thiện chất lượng xét xử, công chúng giám sát tốt hơn về hoạt động tư pháp thông qua kết quả của hoạt động tư pháp là bản án/quyết định được công khai.
Việc áp dụng án lệ đã làm thay đổi tư duy pháp lý của luật gia tại Việt Nam. Trước đây, luật gia (nhất là thẩm phán) thường chỉ quan tâm tới văn bản quy phạm; ngày nay họ còn phải xem xét và vận dụng hướng giải quyết trong một vụ việc tương tự trước đây đã được phát triển thành án lệ và từ đó hướng tới áp dụng thống nhất pháp luật (tránh tùy tiện trong áp dụng).
Án lệ sẽ giúp dần hoàn thiện khung áp lý và ổn định pháp luật. Kinh nghiệm nước ngoài như Pháp cho thấy nhiều luật quan trọng trong đó có BLDS (đã tồn tại hơn 200 năm) vẫn được duy trì vì nó được bổ khuyết kịp thời bởi án lệ (tức nhờ án lệ mà văn bản được ổn định). Trước đây, khi không áp dụng án lệ, mỗi khi phát sinh một vấn đề mới, chúng ta lại đòi hỏi sửa đổi/bổ sung luật nhưng ngày nay việc này có thể được tiến hành thông qua án lệ và như vậy không phải thường xuyên sửa đổi/bổ sung luật.
- Từ thực tiễn của một người làm nghề luật (nhất là tại VIAC), ông đánh giá như thế nào về ưu điểm cũng như hạn chế của việc áp dụng án lệ tại Việt Nam?
Ưu điểm quan trọng nhất chính là chúng ta đã có một khung pháp lý áp dụng án lệ khá đầy đủ như đã nêu ở trên. Thực tế, đã có bản án/quyết định không áp dụng án lệ bị coi là không phù hợp với pháp luật nên đã bị hủy và điều này cho thấy án lệ trở thành nguồn pháp luật bắt buộc tại Việt nam. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển án lệ (đã có hơn 50 án lệ được công bố trong lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự và hành chính) và áp dụng án lệ tại Việt Nam (việc áp dụng án lệ thực tế khá phổ biến tại Tòa án, Trọng tài cũng như đời sống thường ngày).
Nhược điểm lớn nhất hiện nay là nhận thức về áp dụng án lệ do còn mới mẻ ở Việt Nam (án lệ đầu tiên mới được ban hành năm 2016), việc áp dụng án lệ chưa được quan tâm thấu đáo. Nếu Tòa án nhân dân tối cao đã rất nỗ lực trong việc phát triển án lệ (xây dựng và thúc đẩy áp dụng án lệ), nhiều cơ sở đào tạo luật còn xem nhẹ nội dung này.
>>Áp dụng án lệ - Bước tiến lớn trong cải cách tư pháp Việt Nam
Khi kỷ niệm 200 năm BLDS Pháp vào năm 2004, các chuyên gia Pháp nhận định BLDS Pháp trường tồn lâu như vậy một phần là do án lệ và án lệ thực sự phát triển tại Pháp song hành cùng BLDS là do tác động của đội ngũ giáo sư (giảng viên đại học). Chính họ là những người thường xuyên phát hiện những vấn cần có án lê và, một khi án lệ tồn tại, chính họ là những người truyền tải, phát triển án lệ cho những thế hệ luật gia khác nhau.
Hy vọng rằng việc phát triển án lệ ở Việt Nam không chỉ là công việc của Tòa án mà còn là của cả những đối tưởng tượng khác, trong đó phải kể đến cơ sở đào tạo luật. Ngày nay, án lệ đã là nguồn chính thức được áp dụng ở Việt Nam nên không giảng dạy về án lệ đồng nghĩa với việc không giảng dạy đầy đủ pháp luật cho người học; sinh viên không được trang bị về án lệ là không được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp luật.
- Trên thế giới việc xây dựng và áp dụng án lệ được thực hiện như thế nào thưa ông? Chúng ta có thể học hỏi gì từ việc thực hiện các án lệ trên thế giới, thưa ông?
Án lệ không còn xa lạ trên thế giới. Trong thời gian dài, án lệ là đặc trưng của các nước theo truyền thống Thông luật trong đó có Anh và Mỹ. Tuy nhiên, các nước theo truyền thống Dân luật như Pháp, Đức, Thụy Sỹ cũng ngày càng khai thác án lệ do văn bản quy phạm pháp luật của họ thường không đầy đủ so với nhu cầu của cuộc sống nên cần bổ khuyết bởi án lệ.
Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm về án lệ không chỉ ở các nước theo truyền thống Thông luật (Luật pháp được hình thành từ tập quán) mà còn cả ở các nước theo truyền thống Dân luật (Luật pháp hình thành những chế định cụ thể theo cơ chế bao trùm những mỗi quan hệ xã hội).
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm