Cách nào giúp doanh nghiệp ván sợi từ Việt Nam “né” thuế chống bán phá giá?

Huyền Trang thực hiện 01/05/2020 05:00

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định. các doanh nghiệp ván sợi có thể thoát được việc áp thuế chống bán phá giá nếu chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm ván sợi MDF có độ dày dưới 6mm xuất xứ từ Việt Nam và một số nước.

Nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenply Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenpanel Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Century Plyboards. Đây cũng là nguyên đơn trong vụ việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp vào ngày 5/11/2019.

Ván sợi MDF của Việt Nam bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá.

Ván sợi MDF của Việt Nam bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá.

Phân loại theo các mã HS: 4411.12; 4411.13; 4411.92; 4411.93; 4411.94. Việc phân loại chỉ có tính tham khảo, DGTR có thể mở rộng hoặc thu hẹp mã HS để phù hợp với mô tả hàng hóa.

Thời kỳ điều tra phá giá từ tháng 1-12/2019; thời kỳ điều tra thiệt hại từ tháng 4/2016-12/2019. Bản câu hỏi điều tra và thời hạn trả lời DGTR sẽ gửi Bản câu hỏi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được biết tới.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của Ấn Độ? Vì sao thị trường Ấn Độ lại là trung tâm của các vụ kiện chống bán phá giá

Việc Ấn Độ khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm ván sợi MDF có độ dày dưới 6mm xuất xứ từ Việt Nam và một số nước là một hành động bình thường trong hoạt động thương mại quốc tế.

Việt Nam là một quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, trong đó thị trường Ấn Độ là thị trường với hơn 1 tỷ dân, là một quốc gia đang phát triển nên các doanh nghiệp tích cực xuất khẩu vào thị trường này trong đó có sản phẩm ván sợi.

Với thuế suất thấp do phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nhà sản xuất trong nước trong đó có Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenply Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenpanel Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Century Plyboards đã tiến hành áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đó là biện pháp chống bán phá giả để bảo vệ quyền lợi của họ do bị thu hẹp thị trường.

Tôi nhấn mạnh đây mới là giai đoạn khởi xướng việc điều tra, chưa có kết luận cuối cùng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam tích cực hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin, đưa ra các lập luận, chứng cứ là mình không được trợ cấp, không bán phá giá thì vẫn có khả năng là doanh nghiệp sẽ không bị áp thuế cao.

Các doanh nghiệp cần chủ động liên lạc để được Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ cung cấp bản câu hỏi và nộp bản trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày ban hành thông báo về việc khởi xướng.

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng, với việc hàng rào thuế quan dần bị dỡ bỏ, các hàng rào kỹ thuật như các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia nhập khẩu trong đó có Ấn Độ sẽ sử dụng triệt để để bảo hộ doanh nghiệp trong nước.

- Điều này sẽ tác động như thế nào tới thị trường ván sợi?

Các doanh nghiệp ván sợi nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, trước mắt thuế suất sẽ tăng, làm tăng giá thành sản phẩm vì thế các đại lý và đối tác bán hàng tại Ấn độ sẽ phải tìm nhà cung cấp nội địa hoặc nhà cung cấp từ quốc gia khác có mức thuế suất thấp hơn.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sản xuất ván sợi nên theo dõi sát sao cuộc điều tra, cung cấp thông tin và chuẩn bị cho phương án xấu nhất là bị giảm sút sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, có thể các doanh nghiệp sẽ phải tìm thị trường thay thế.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Đáng chú ý vụ việc này chỉ dừng ở mức độ điều tra. Vậy ván sợi có khả năng thoát được việc chống áp thuế không, thưa luật sư?

Các doanh nghiệp ván sợi hoàn toàn có thể thoát được việc chống áp thuế. Tuy nhiên, để thoát được việc chống áp thuế, doanh nghiệp ván sợi cần phải tham gia trả lời đầy đủ các khảo sát, đồng thời phải đưa ra được những bằng chứng rõ ràng chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Từ quá trình theo dõi các vụ kiện chống bán phá giá cũng như vấn đề phòng vệ thương mại, có một thực tế cần lưu ý rằng Ấn Độ chính là một trong những thị trường khiến doanh nghiệp Việt thường bị điều tra và áp thuế chống lẩn tránh nhiều nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ điều tra chống bán phá giá đệm mút: Doanh nghiệp Việt né phòng vệ thương mại bằng cách nào?

    05:30, 27/04/2020

  • 12 mặt hàng xuất có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ

    10:00, 16/04/2020

  • Thép Việt tránh phòng vệ thương mại bằng cách nào?

    05:20, 05/03/2020

- Vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần lưu ý điều gì?

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này cần tìm hiểu các quy định về phòng vệ thương mại của nước sở tại, có tư vấn về điều kiện và thủ tục áp dụng để tránh bị áp dụng hoặc khi bị điều tra thì hoàn toàn chủ động.

Trong quá trình bị áp dụng thủ tục điều tra, cần chủ động hợp tác, cung cấp thông tin chủ động và thuê tư vấn để hỗ trợ trong các buổi điều trần, chứng minh là doanh nghiệp không tiến hành bán phá giá, gây ảnh hưởng tới thị trường trong nước.

-Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách nào giúp doanh nghiệp ván sợi từ Việt Nam “né” thuế chống bán phá giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO