Tiếp tục hoàn thiện và xây dựng thể chế theo hướng đảm bảo cơ chế chính sách được thực thi trong cuộc sống, đi vào lòng người vẫn là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ ưu tiên.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với DĐDN.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi cải cách thể chế trong cả nhiệm kì 2016 - 2020, mặc dù năm 2020 chúng ta gặp phải vô vàn khó khăn về biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lũ, lũ quét… đặc biệt, đại dịch COVID-19 chưa từng có, nhưng chúng ta vẫn đạt được nhiều thành tựu được cả thế giới ghi nhận.
- Như vậy, đánh giá kết quả năm 2020 nên nhìn xuyên suốt cả nhiệm kì, thưa Bộ trưởng?
Đúng vậy! Trong bối cảnh gần như cả thế giới tăng trưởng âm trước tác động của đại dịch COVID-19, thì năm 2020 chúng ta vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Bình quân 5 năm chúng ta tăng trưởng đạt 5,9%. Các chỉ số vĩ mô như chỉ số giá, lạm phát, nợ công, nợ nước ngoài đều dưới mức Nghị quyết của Quốc hội giao. Một điều đáng ghi nhận, năm 2020 và cả nhiệm kỳ chúng ta vẫn tăng thu ngân sách. Số doanh nghiệp tăng lên 630.500 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm chúng ta có khoảng 120.000 -130.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện... Nếu như năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, đến năm 2020 đạt 541 tỷ USD, xuất siêu khoảng 19 tỷ USD. Đặc biệt, chưa nhiệm kỳ nào chúng ta có 4 Hiệp định thương mại tự do (CTPPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA) được thực thi như nhiệm kỳ này... đã tạo cho Việt Nam vị thế, tiềm lực, uy tín trên trường quốc tế.
Nhiệm kỳ qua cũng là nhiệm kì đột phá của Chính phủ về cải cách TTHC. Trong nhiệm kỳ, chúng ta đã cắt bỏ 3.893 điều kiện kinh doanh, như vậy đã cắt giảm 63% và đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành tương đương cắt giảm 68%. 1.501 thủ tục mặt hàng chồng chéo đã phân cấp và xử lý rõ.
- Thưa Bộ trưởng, chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, vấn đề này có chuyển biến như thế nào trong nỗ lực thực hiện Chính phủ điện tử?
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh, TTHC… sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy truyền thống, chúng ta đã làm minh bạch được hệ thống thủ tục, cắt bỏ lợi ích nhóm. Tôi lấy ví dụ: chúng ta có khoảng 12 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu trong một năm, chúng ta kiểm tra chỉ phát hiện 0,06% lỗi. Với việc làm các TTHC truyền thống, doanh nghiệp, người dân vẫn phải nộp tiền phí, lệ phí... như vậy tốn kém vô cùng. Hay như Luật An toàn thực phẩm, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018 thay thế Nghị định 38/2012 đã cắt bỏ trên 95% điều kiện TTHC và chúng ta vẫn kiểm soát tốt, hàng hoá vẫn nhập khẩu. Xây dựng một chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số khi ấy người dân chỉ phải nhập một lần, một tài khoản duy nhất thực hiện thủ tục trên máy thay vì phải đến cơ quan quản lý nhà nước, thay vì tiếp cận với cán bộ thi hành công vụ. Từ đó giảm được thời gian, chi phí chính thức và không chính thức, tạo ra sự minh bạch và cắt bỏ tham nhũng vặt, tiêu cực. Văn phòng Chính phủ là cơ quan gương mẫu trong lĩnh vực này. Kể từ tháng 6/2018 văn phòng đã thực hiện phi giấy tờ. Toàn bộ tất cả hồ sơ của văn phòng đều điện tử hoá từ nhận văn bản điện tử từ các Bộ, địa phương và xử lý trong nội bộ văn phòng, phát hành văn bản điện tử hoá, chữ ký số.
- Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị thế trong nền kinh tế. Để khu vực này lớn mạnh, Chính phủ có những hỗ trợ gì, thưa Bộ trưởng?
Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ngày 29/4/2016 Thủ tướng đã gặp mặt doanh nghiệp tư nhân cả nước. Đây là thông điệp thể hiện người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm đến khối doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp 46% cho nền kinh tế. Những năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật đầu tư công, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đối tác công – tư (PPP), Luật Doanh nghiệp... tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp... Tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn bằng cải thiện thể chế... với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt này Thủ tướng yêu cầu từ bỏ tình trạng trên nóng dưới lạnh, từ bỏ việc gây khó khăn phiền nhiễu cho doanh nghiệp, từ bỏ tham nhũng vặt, đặc biệt liên quan đến xử lí trách nhiệm người đứng đầu.
- Năm 2021 là năm “bản lề” trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Định hướng của Chính phủ về các mục tiêu, phương hướng và hành động trong năm tới được cụ thể ra sao, thưa Bộ trưởng?
Năm 2021 là năm đầu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2026 đồng thời cũng là chiến lược 10 năm 2021 – 2030, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII. Kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ 2016 -2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kì tới là luôn quan tâm vấn đề hoàn thiện và xây dựng thể chế theo hướng cơ chế chính sách được thực thi trong cuộc sống, đi vào lòng người. Đồng thời, chúng ta cũng phải tiếp tục tạo ra những đột phá rất mạnh, nhất là liên quan đến đầu tư hạ tầng, trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực của xã hội tham gia.
Mặt khác, chúng ta phải xác định việc nào nhà nước phải đầu tư, việc nào giao cho doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ quy hoạch quốc gia với có tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ đặt ra thứ tự ưu tiên, cái nào doanh nghiệp đầu tư, nhà nước quản lý, cái nào nhà nước đầu tư giao cho doanh nghiệp vận hành. Chúng ta vận dụng rất hài hoà, linh hoạt, mềm dẻo để tạo sự đồng thuận tham gia của cả xã hội...
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!