Cải cách thể chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

GIA NGUYỄN 08/01/2024 08:43

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế được cho là giải pháp vô cùng quan trọng.

Công tác này không chỉ giúp cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính,mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp…

p/Diễn đàn Phát triển kinh doanh:

Diễn đàn Phát triển kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đặc biệt, để hiện thực hóa Nghị quyết này, cải cách thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Niềm tin… trở lại

Thời gian qua, cải cách thể chế, xây dựng pháp luật luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới; nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,… đã được tháo gỡ trong năm vừa qua.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 08 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 80 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 27 Quyết định quy phạm,…

Thực tế, các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian gần đây cũng luôn nhận định, nền kinh tế tiếp tục có những chuyển biến theo xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2023 đạt 201.529 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (164.525 doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 là 146.044 doanh nghiệp, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (123.121 doanh nghiệp).

Điều này cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng lên. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” của các cơ quan quản lý, điều hành và sự nỗ lực của doanh nghiệp được cho đã phát huy hiệu quả.

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, không ít những hạn chế, tồn tại về thể chế đã được chỉ rõ như: một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung; Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà; Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu;…

Vẫn cần rà soát, hoàn thiện

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế được cho là giải pháp vô cùng quan trọng, thậm chí, công tác này còn được nhận định là còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Bởi, cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cần mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần những chính sách căn cơ, lâu dài. Bởi nếu không có cơ chế vận hành thể chế tốt, sẽ khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường phối hợp theo quy định pháp luật để tạo ra sức mạnh tổng lực giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Còn theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ giúp cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đầu tư công, cùng với đó là hiệu quả từ các chính sách tài chính và tiền tệ. Nhưng còn nhiều vấn đề có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.

“Những “lỗ hổng”, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa bằng cách cải tổ chính sách khuyến khích nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Đồng quan điểm đã nêu, để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được. Vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục cho được những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội

    01:41, 23/12/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách thúc đẩy ngành dệt may phát triển

    01:30, 15/12/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Phát triển đội ngũ doanh nhân đủ tâm và tầm

    05:05, 12/12/2023

  • Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

    04:05, 10/12/2023

  • Nghị quyết 41/NQ-TW: Cần một cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp

    02:46, 08/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách thể chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO