Kiến nghị

Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp: Cân nhắc mở rộng phạm vi sửa đổi

Anh Khôi 24/08/2024 03:30

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, VCCI đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi sửa đổi…

Theo đó, trả lời đề nghị tham gia cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp (Dự thảo) của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã có Công văn số 1038/LĐTM-PC ngày 20/6/2024 về việc góp ý Dự thảo. Theo bản giải trình các ý kiến góp ý (tài liệu đính kèm Dự thảo), một số ý kiến của VCCI đã được tiếp thu. Tuy nhiên, khi rà soát lại Dự thảo (phiên bản thẩm định) thì về cơ bản, các quy định vẫn giữ nguyên.

gop-y-cai-cach-bo-tro-tu-phap-vcci-1.jpg
VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Nghị định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp - Ảnh minh họa: ITN

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại một số nội dung đã được góp ý trước đó như:

Về việc mở rộng phạm vi sửa đổi Dự thảo, theo VCCI, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính quy định tại 04 Nghị định: Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại; Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Các sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bổ sung quy trình giải quyết thủ tục qua bưu chính hoặc phương thức điện tử (Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp; Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh); Phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp xuống cho Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp.

“Những sửa đổi này bám sát với nội dung của Quyết định 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, đề nghị Ban soạn thảo mở rộng hơn phạm vi sửa đổi. Bởi, việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính nhưng các yếu tố khác trong thủ tục không thay đổi, đặc biệt là thời gian giải quyết thủ tục, thì dưới góc độ của cá nhân, tổ chức phải thực hiện thủ tục sẽ không cảm nhận được mức độ thuận lợi hơn”, VCCI góp ý.

gop-y-cai-cach-bo-tro-tu-phap-vcci-2.jpg
Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi sửa đổi - Ảnh minh họa: ITN

Theo VCCI, về mặt lý thuyết, việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong các thủ tục trên sẽ làm giảm các tầng nấc giải quyết thủ tục từ đó giảm thời gian giải quyết thủ tục do cắt giảm được giai đoạn trình lên cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định. Nếu việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục trong trường hợp từ Bộ trưởng xuống Cục trưởng nhưng không giảm thời gian giải quyết thủ tục thì về cơ bản thủ tục này gần như không thay đổi nếu nhìn từ đối tượng phải thực hiện thủ tục.

Để thể hiện tinh thần cải cách hơn nữa, VCCI đề nghị cân nhắc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các thủ tục được phân cấp tại Dự thảo, thời gian giảm tương ứng với thời gian đã lược bỏ khi Cục trình lên Bộ xem xét, quyết định.

Cùng với nội dung đã nêu, về Phụ lục, phần Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, VCCI cho biết, trong Đơn đề nghị, Phụ lục yêu cầu nội dung “quá trình hoạt động của bản thân” người phải kê khai gồm cả luật sư, kiểm toán viên. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014, bởi Luật Phá sản chỉ yêu cầu kinh nghiệm 05 năm đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, không yêu cầu kinh nghiệm đối với luật sư, kiểm toán viên.

“Vì vậy, yêu cầu luật sư, kiểm toán viên kê khai về quá trình hoạt động của bản thân là chưa phù hợp”, VCCI nhìn nhận.

Đồng thời cho rằng, trong bản giải trình, ý kiến này đã được tiếp thu, tuy nhiên, Phụ lục về Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên phần về kê khai “quá trình hoạt động của bản thân” vẫn yêu cầu các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014, tức là vẫn yêu cầu luật sư, kiểm toán viên phải kê khai.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị sửa đổi nội dung tại Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên từ “Quá trình hoạt động của bản thân (theo đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản năm 2014)” thành “Quá trình hoạt động của bản thân (theo đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản năm 2014)”.

Về các trường thông tin có thể khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo VCCI, các mẫu Giấy đề nghị quy định tại Phụ lục yêu cầu: đối với các thông tin được khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu nộp hồ sơ trực tuyến thì người thực hiện thủ tục hành chính không phải kê khai, nếu nộp hồ sơ giấy thì người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai đầy đủ.

Đề nghị cân nhắc quy định yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai đầy đủ các thông tin được khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với trường hợp nộp hồ sơ giấy. Bởi, dù phương thức thực hiện thủ tục là gì, thì nếu cơ quan giải quyết thủ tục có thể khai thác được thông tin trong hệ thống thông tin của Nhà nước, thì không nên yêu cầu người thực hiện thủ tục phải kê khai.

“Do đó, để tạo thuận lợi cho người thực hiện thủ tục hành chính, đề nghị quy định những thông tin có thể khai thác được trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải kê khai, kể cả trường hợp nộp hồ sơ giấy”, VCCI góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp: Cân nhắc mở rộng phạm vi sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO