NHNN chỉ đạo các ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa việc cải cách thủ tục vay vốn để các chủ đầu tư, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay tại các dự án nhà ở xã hội thuận lợi hơn.
>>Làm rõ vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản
Mới đây, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã chủ trì cuộc làm việc với 4 bộ, cơ quan gồm: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo báo cáo của NHNN, trong giai đoạn 2015 - 2023, NHNN đã điều hành tín dụng với bất động sản bám sát theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, phù hợp với các quy định pháp luật.
>>Thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội còn chậm trễ, kéo dài
Trong đó, NHNN đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng với Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Hiện nay, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng với chủ đầu tư dự án là 7%/năm, với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 6,5%/năm. Bên cạnh đó, có 34/63 UBND tỉnh công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình với tổng số 75 dự án, các ngân hàng đã giải ngân 1.344 tỷ đồng.
Theo NHNN, vướng mắc lớn nhất đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua là pháp lý. Ngoài ra, tình trạng dư thừa bất động sản phân khúc cao cấp nhưng thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với nhu cầu của người dân khiến mất cân đối cung cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn trong khi nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thường là dài hạn, việc chênh lệch về kỳ hạn có thể dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi khách hàng không trả nợ đúng thời hạn…
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo, thống nhất về số liệu, đánh giá được đưa ra trong từng báo cáo; lưu ý đối chiếu với báo cáo của Bộ Xây dựng để có đánh giá chính xác về thị trường bất động sản nước ta hiện nay; chỉ ra địa chỉ cụ thể, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có sai phạm; kết quả thực hiện các kết luận kiểm toán của KTNN...
Trong đó, một số ý kiến đề nghị, KTNN và Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm về hướng xử lý với những dự án tồn đọng do vướng mắc pháp lý hay có sai phạm, phải dừng thực hiện trong thời gian dài để tránh gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính cần nghiên cứu bổ sung thêm các ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn tại thị trường M2 cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Cùng với đó, NHNN chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại thực hiện tốt hơn nữa việc cải cách thủ tục vay vốn để các chủ đầu tư, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay tại các dự án nhà ở xã hội thuận lợi hơn.
Bộ Tài chính nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ, điều tiết, định hướng để thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn dài hạn, hiệu quả cho doanh nghiệp bất động sản.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, các bộ, cơ quan khẩn trương xác định rõ những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp thể hiện trong Báo cáo giám sát và Nghị quyết giám sát, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến việc ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn các luật mới, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng do vướng mắc pháp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế yêu cầu Báo cáo bổ sung gửi đến Đoàn giám sát trước ngày 1.8.2024 để kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo Tổ giúp việc sớm tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của địa phương thuộc chức năng, thẩm quyền của các bộ, cơ quan để gửi đến Thanh tra Chính phủ, KTNN, Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam nghiên cứu, xác định giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, đề nghị 4 bộ, cơ quan tăng cường phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trong giai đoạn đầu khi Luật sửa đổi một số điều Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhất là đối với các dự án chuyển tiếp.
Có thể bạn quan tâm
Ba bộ luật quan trọng cho bất động sản có hiệu lực tác động thế nào đến thị trường?
13:57, 23/07/2024
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng trở lại
11:27, 23/07/2024
Bất động sản vùng ven TP.HCM kỳ vọng “đón sóng”
03:00, 23/07/2024
Làm rõ vướng mắc trong quản lý thị trường bất động sản
17:30, 22/07/2024
Bất động sản miền Trung phần lớn là “hàng tồn kho”
17:11, 22/07/2024