Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp... để cải thiện Chỉ số PCI cũng như DDCI.
Thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung – Tây Nguyên), trong năm 2023đơn vị đã tổ chức đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp Huyện, thị và Sở, ngành (DDCI) tại 18 sở, ban, ngành và 10 huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum. Theo đó, các ý kiến đánh giá chỉ số DDCI Kon Tum đến từ doanh nghiệp (65%), hộ kinh doanh (24%) và hợp tác xã (11%).
Qua khảo sát, xu hướng điểm PCI của Kon Tum tăng từ năm 2021,2022,2023 (58,954 – 64,895 - 65,605 điểm). Trong khi đó, điểm DDCI của các sở, ngành năm 2023 tăng (66,07 điểm) còn DDCI các huyện năm 2023 giảm (59,52 điểm).
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên thông tin tại khối sở ngành có bước cải thiện hiệu quả hơn khối cấp huyện.Theo đó, đã có nhiều cải thiện trong việc các đơn vị tiếp tục thực hiện các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của VCCI miền Trung – Tây Nguyên, điểm số cao nhất trong nhóm sở, ban, ngành là 71,96 điểm, cao nhất trong các năm đánh giá. Cụ thể, Sở Công thương cao nhất (71,96 điểm), kế đến là Sở KH&ĐT (71,59 điểm) và Sở VH-TT&DL (71,09 điểm). Còn lại, Sở TN&MT và Cục Quản lý thị trường thấp nhất trong bản điểm, lần lượt là 57,94 và 57,45.
Ông Nguyễn Tiến Quang cho hay, điểm trung vị của 8 /8 chỉ số thành phần (CSTP) nhóm sở, ban, ngành đều cao hơn 6 là tích cực. Trong đó, 6/8 CSTP tăng điểm, 2/8 CSTP (hỗ trợ DN, cạnh tranh bình đẳng) thấp hơn năm trước. Tính minh bạch là CSTP có điểm trung vị cao nhất với 6,93 điểm. Chi phí không chính thức là CSTP có điểm trung vị thấp nhất với 6,16 điểm, cũng có sự cải thiện tốt hơn năm trước.
Với, kết quả DDCI 2023 cấp huyện, có 6/10 huyện cải thiện so với năm trước (chiếm 60%) và đa số nhóm trên điều cải thiện năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, huyện Sa Thầy đứng đầu bảng điểm với 67,9 điểm, tiếp đến là huyện Ngọc Hồi 67,38 điểm và huyện Ia H’Drai 64,77 điểm. Đứng cuối bảng DDCI là huyện Đắk Glei 56,77 điểm và huyện Đắk Hà 56,04 điểm.
Về mặt tích cực, Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay tiêu chí “Đơn vị cung cấp thông tin kịp thời” được đánh giá khá tích cực, về tiêu chí “doanh nghệp chỉ phải đi lại 1 đến 2 lần để hoàn tất TTHC” có trung vị tăng ở cả 2 nhóm.
Ngoài ra, “Công tác truyền thông và phổ biến VBPL được thực hiện kịp thời, rõ ràng và đầy đủ” có trung vị ở mức khá cao, tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận “Thông tin trên website là hữu ích” và “doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm qua” trung vị đã tăng so với năm 2022,...
Tuy nhiên, đơn vị khảo sát cũng nhận thấy hạn chế như vẫn còn hiện tượng đùn đẩy công việc tại đơn vị và/hoặc đơn vị đùn đẩy công việc lên cấp có thẩm quyền cao hơn. Đồng thời, cảm nhận của doanh nghiệp về sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp lớn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác đều có tỷ lệ lớn hơn 30%.
“Tuy nhiên, có một số điểm lưu ý về DDCI Kon Tum là có 26% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trong năm 2023 giảm so với năm trước. Cùng với đó, doanh nghiệp có xu hướng hoạt động cầm chừng để chờ đợi các tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước (với 61% tiếp tục duy trì với quy mô hiện tại)”, ông Nguyễn Tiến Quang thông tin.
Để cải thiện PCI và DDCI trong thời gian tới, theo ông Quang tỉnh Kon Tum cần triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Cụ thể, Kon Tum cần chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Song song là đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần có sự rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ còn hiệu lực của tỉnh.
“Các chính sách nào không còn phù hợp, không mang lại lợi ích thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp cần đề xuất bãi bỏ. Với các chính sách còn phù hợp, cần đối chiếu lại với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phân bố nguồn lực thực hiện hợp lý. Đảm bảo với nguồn lực triển khai hữu hạn có thể đạt được hiệu quả cao nhất của các chính sách đã đề ra”, ông Nguyễn Tiến Quang kiến nghị.
Đối với công tác giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì cần đẩy nhanh quá trình xử lý, tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, tác động đến nhiều doanh nghiệp tại tỉnh. Đặc biệt là kết quả giải quyết phải được thông tin rộng rãi, đầy đủ và nhanh chóng đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Quang cũng khuyến nghị Kon Tum đồng hành xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, quy mô. Thực tế, chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh Kon Tum còn thấp trong khi đây là CSTP các tỉnh có điểm số rất cao.
Cùng với đó là giao chỉ tiêu về tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) công trực tuyến đến từng đơn vị phụ trách, cắt giảm các khâu không cần thiết để giảm thời gian thực hiện, so với thực thiện theo phương pháp truyền thống. Đơn giản hóa các thao tác trên các ứng dụng hành chính công trực tuyến, giảm thấp nhất đến việc khai báo quá nhiều thông tin cá nhân, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tích hợp nhiều hình thức thanh toán.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Kon Tum là tỉnh công nghiệp chưa phát triển mạnh, không gặp những vấn nạn về môi trường như các trung tâm kinh tế khác, điều kiện tự nhiên của tỉnh với nhiều diện tích rừng lớn là lợi thế vừa từ tư nhiên, vừa lợi thế của “người đi sau” Kon tum có nhiều lợi thế trong chuyển đổi xanh (PGI ngoài TOP 30). Vì vậy, địa phương cần xây dựng chương trình chuyển đổi xanh để thu hút vốn đầu tư thế hệ mới, đầu tư xanh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh để tạo lợi thế cạnh tranh, thâm nhập thị trường “khó tính” nhưng nhiều lợi ích như Hoa Kỳ, EU...