Cầm 600 triệu trong tay, mua MPV hay sedan?

Theo Xehay 07/05/2020 11:08

Mua chiếc xe đầu tiên luôn là bài toán khó đối với mọi khách hàng.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem trong tầm giá 600 triệu đồng, một chiếc MPV đa dụng hay sedan 5 chỗ sẽ có ưu, nhược điểm gì và phù hợp với đối tượng khách hàng nào nhất.

Nếu như thường xuyên theo dõi thị trường xe hơi trong nước thì bạn sẽ thấy những chiếc sedan trong tầm giá 500 đến 600 triệu bán chạy như thế nào. Hai đại diện tiêu biểu của phân khúc này là Toyota Vios và Hyundai Accent với doanh số không bao giờ thấp hơn 1.000 chiếc mỗi tháng. Đặc biệt, Toyota Vios có doanh số trên 2.000 chiếc trong nhiều tháng gần đây, xứng danh là “xe quốc dân”. Xe sedan giá rẻ luôn là lựa chọn hợp lý cho người lần đầu mua xe.

Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của Mitsubishi Xpander đã làm đảo lộn trật tự bảng xếp hạng doanh số xe hơi tại Việt Nam. Mẫu MPV có thiết kế tân thời này đã tạo ra cuộc đua song mã vô cùng gay cấn với Toyota Vios vào hồi cuối năm ngoái, khi 2 mẫu xe này có doanh số liên tục trên mức 2.500 xe mỗi tháng, thay nhau dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số.

Điểm mấu chốt tạo ra thành công của Mitsubishi Xpander là thiết kế đẹp, nội thất 7 chỗ rộng rãi và giá bán cạnh tranh, trong khi Toyota Vios vẫn luôn là lựa chọn nghiễm nhiên của nhiều khách hàng Việt Nam từ trước đến nay. Bài viết ngày hôm nay sẽ so sánh trực tiếp 2 mẫu xe đại diện cho kiểu dáng xe MPV và sedan này để chọn ra chiếc xe phù hợp nhất đối với bạn trong tầm giá xấp xỉ 600 triệu đồng. Chiếc Mitsubishi Xpander trong bài viết có giá bán 620 triệu đồng, trong khi Toyota Vios 1.5CVT có giá 570 triệu đồng.

Kích thước tổng thể

Với mức chênh giá 50 triệu đồng, người mua Xpander có thêm những điều gì? Điều đầu tiên là không gian nội thất rộng rãi hơn, nhất là chiều cao của xe vượt trội so với Vios (+ 225 mm). Tiếp theo là chiều dài cơ sở hơn 200 mm khiến Xpander có 3 hàng ghế với 7 chỗ ngồi. Ưu điểm tiếp theo của Xpander là khoảng sáng gầm xe 205 mm, cao hơn Vios 72 mm, giúp xe hoạt động thoải mái ở trong phố cũng như khi về quê, đi đường xấu mà không lo cạ gầm. Xpander cũng linh hoạt không kém gì Vios với bán kính quay đầu của Xpander chỉ lớn hơn 10 cm. Có thể thấy rằng Xpander là chiếc xe phù hợp với gia đình đông người hơn.

Đổi lại, Toyota Vios có thiết kế nhỏ gọn hơn nên dễ dàng luồn lách vào đường hẹp hơn. Xe cũng nhẹ hơn 130 kg, một con số khá đáng kể. Về kích thước ngoại thất thì có vẻ như Vios phù hợp với những gia đình 2 thế hệ hoặc vợ chồng trẻ chưa có con cái.

Trang bị ngoại thất

Ngôn ngữ Dynamic Shield thể hiện rõ ràng trên “bộ mặt” của Mitsubishi Xpander. Những nét đặc trưng của Dynamic Shield bao gồm hai cụm đèn định vị ban ngày sắc sảo được nối liền với nhau bởi những thanh ngang to bản; mặt ca-lăng màu đen thu hẹp lại ở phần giữa và tiếp tục "nở" ra về phía dưới cản trước; các thanh nẹp mạ chrome chạy viền dưới các đèn pha và bao quanh mặt ca-lăng xe tạo thành hình ảnh chữ X. Tôi không ngần ngại gọi Xpander là chiếc MPV đẹp nhất phân khúc.

Trong khi đó, Toyota Vios cũng đẹp hơn nhiều so với phiên bản trước đó. Trước đây, Vios là dòng xe có thiết kế trung tính, ít điểm nhấn. Đó là yếu tố cần để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng Việt. Tuy nhiên, khi các đối thủ như Honda City hay Hyundai Accent dần được nâng cấp với những thiết kế phá cách, Toyota Vios cũng được khoác lên một bộ áo trẻ trung hơn để tăng sức cạnh tranh.

Khi đặt Xpander và Vios cạnh nhau, cá nhân tôi vẫn đánh giá cao sự trẻ trung và phá cách của Xpander hơn. Thiết kế tổng thể của Mitsubishi Xpander nhìn chung vẫn hiện đại và phong cách hơn so với Toyota Vios, phù hợp với khách hàng trẻ trung, năng động.

Trong khi đó, Toyota Vios có thiết kế trung tính, không quá phá cách, phù hợp với mọi lứa tuổi. Cả 2 xe đều dùng đèn halogen, đèn định vị LED nhưng thiết kế cụm đèn của Xpander đẹp hơn. Hai xe tương đối đồng đều về trang bị ngoại thất, Xpander có bộ la-zăng 16 inch đẹp hơn với thiết kế 2 tông màu, đổi lại thì Vios có ăng ten vây cá mập và đèn phanh LED.

Trang bị nội thất

Nếu như ngoại thất xe sẽ tạo ra ấn tượng rằng Xpander có giá bán đắt hơn con số 550-620 triệu đồng thì khoang nội thất của chiếc MPV này sẽ đưa bạn “trở về với thực tại”. Khoang cabin Mitsubishi Xpander 2019 có thiết kế tổng thể tương đồng với chiếc Outlander nhưng được bổ sung một vài chi tiết khác biệt và tiện dụng hơn. Đúng vậy, sự tiện dụng là một tiêu chí quan trọng đối với những chiếc xe đa dụng MPV, điều đó được thể hiện bởi rất nhiều khoang chứa đồ đặt rải rác quanh xe.

Trước giờ trong giới chơi xe có một câu nói đùa rằng “Xe Toyota không thể hỏng vì chúng chẳng có gì để hỏng”. Điều đó cũng đúng ở một mức độ nào đó, nhưng thời gian gần đây, Toyota Việt Nam đã lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng và dần cải tiến những mẫu xe của họ. Chúng ta đã thấy những chiếc Innova hay Fortuner được nâng cấp cả về mặt an toàn và tiện nghi và giờ đây, đến lượt Vios được “lên đồ”. Chiếc xe có thiết kế ngoại thất tương đối sang trọng với kiểu phối màu hài hòa và đầy đủ tiện ích.

Về trang bị nội thất, mỗi chiếc xe đều có thế mạnh riêng. Toyota Vios có điều hòa tự động, màn hình 7 inch có Apple Carplay và Android Auto, chất liệu ghế da cao cấp hơn, có bệ tỳ tay cho tài xế và cốp xe rộng rãi, đủ để đựng đồ đạc cho 5 hành khách trên xe.

Mittsubishi Xpander có cửa gió cho hàng ghế sau, thứ mà Vios không có. Cửa gió điều hòa sau là ưu điểm lớn của dòng xe MPV khi so với sedan cùng giá tiền. Bên cạnh đó, hàng ghế thứ 2 của Xpander linh hoạt hơn Vios và rộng rãi hơn. Khoang hành lý của Xpander cũng linh hoạt hơn với hàng ghế thứ 2 và 3 có thể gập lại khi cần thiết. Nếu di chuyển với 5 người trên xe thì Xpander rộng rãi, chứa được nhiều đồ hơn. Tất nhiên, Mitsubishi có thể chở 7 người trên xe, trong khi Toyota Vios chỉ có thể chở 5 người theo quy định pháp luật.

Hệ thống an toàn

Phanh sau của Mitsubishi Xpander là dạng tang trống

Toyota Vios có phanh đĩa ở cả 4 bánh

Về hệ thống an toàn, những chiếc sedan thường trội hơn MPV cùng cấp. So với Xpander, Toyota Vios có nhiều túi khí hơn (7 túi khí so với 2 túi khí), có hệ thống kiểm soát lực kéo, phanh đĩa 4 bánh và có 2 cảm biến đỗ ở đầu xe. Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn chấp nhận mua một chiếc xe sedan, bạn sẽ có nhiều hệ thống an toàn hơn. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát tình huống của tài xế vẫn quan trọng hơn các hệ thống an toàn mà chiếc xe sở hữu.

Động cơ, hệ truyền động

Dưới nắp capô Toyota Vios vẫn là khối động cơ xăng 2NR-FBE với 4 xy-lanh thẳng hàng 16 van cam kép tích hợp công nghệ Dual VTT-i, phun xăng điện tử quen thuộc. Động cơ 4 xy-lanh này sản sinh công suất tối đa 107 mã lực tại 6000 vòng/ phút và lực mô-men xoắn cực đại 140 Nm tại 4200 vòng/ phút. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của xe theo công bố của nhà sản xuất là 5.7 lít/ 100km đường hỗn hợp. Xe trang bị bình xăng 42 lít, thừa đủ để phục vụ nhu cầu đi lại trong phố cũng như đường trường.

Nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu chỉ với 107 mã lực, chiếc Vios có phục vụ tốt nhu cầu di chuyển gia đình hay không. Câu trả lời của tôi là “vừa đủ”. Nó vừa đủ để bạn đi phố thoải mái, cũng đủ để đi cao tốc. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc và quan sát kỹ mỗi khi cần vượt xe trên cao tốc vì năng lực của Vios có hạn. Ở dải tốc độ cao và nhất là trên mặt đường mấp mô, Toyota Vios cũng tương đối chòng chành và tiếng ồn gầm khá nhiều.

Mitsubishi Xpander 2019 sử dụng động cơ MIVEC 1.5L, 4 xy-lanh, DOHC, cho công suất cực đại 103 mã lực ở 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn tối 141 Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số sàn 5 cấp hoặc số tự động 4 cấp và hệ dẫn động cầu trước.

Trải nghiệm đi phố với Xpander là khá thoải mái và nhẹ nhàng, duy có 1 điều hơi bất tiện là vô lăng chỉ có thể chỉnh cao thấp, không thò thụt. Điều này khiến tôi khó tìm một tư thế thoải mái nhất cho cả đôi tay, đôi chân và cái lưng của mình. Sẽ luôn có một số bộ phận phải “hy sinh”, dù đó là cánh tay hơi thẳng quá hay chân phải “chịu khó” co lại một tẹo. Gương xe được gắn vào thành cửa nên cho tầm nhìn phía bên rất thoáng, tôi dễ dàng quan sát những chiếc xe máy vô ý lao ra từ đường nhánh. Đầu xe ngắn nên việc căn chỉnh cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên, xe chỉ có camera lùi chứ không có cảm biến lùi nên tôi vẫn phải rất cẩn thận khi đỗ xe. Dù sao thì cảm biến trước sau cũng là những món đồ chơi mà chủ xe có thể độ một cách dễ dàng với chi phí không đáng kể.

Khi di chuyển ở tốc độ 80-100 km/h trên đường trường, tôi mới thấy một điểm cộng lớn nữa của Mitsubithi Xpander. Đó là khả năng cách âm. Tôi chưa từng thấy một chiếc xe nào trong tầm giá dưới 700 triệu có khả năng cách âm gió và cách âm gầm tuyệt vời như Xpander! Đây là một bất ngờ tiếp theo của chúng tôi với Mitsubishi Expander, một mẫu xe chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm trong thời gian tới. Tất nhiên, với chỉ 103 mã lực thì bạn phải cân nhắc và quan sát kỹ trước khi vượt xe trên cao tốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Ảnh thực tế của Hyundai i20 2020 - đối thủ đang khiến Toyota Yaris 'ngồi trên đống lửa'

    Ảnh thực tế của Hyundai i20 2020 - đối thủ đang khiến Toyota Yaris 'ngồi trên đống lửa'

    11:30, 06/05/2020

  • Bảng giá xe ô tô Honda tháng 5/2020: Nhiều ưu đãi sau đại dịch Covid-19

    Bảng giá xe ô tô Honda tháng 5/2020: Nhiều ưu đãi sau đại dịch Covid-19

    10:01, 06/05/2020

  • Ngân hàng tiếp tục thanh lý ô tô giá rẻ để thu hồi nợ xấu

    Ngân hàng tiếp tục thanh lý ô tô giá rẻ để thu hồi nợ xấu

    18:32, 05/05/2020

  • Những quy tắc

    Những quy tắc "vàng" giúp bạn lái xe ô tô an toàn, hiệu quả

    16:29, 05/05/2020

Kết luận

Nhìn chung thì 2 mẫu xe này không quá khác biệt khi đóng vai trò là xe gia đình và tất nhiên rằng không có mẫu xe nào có thể mang lại trải nghiệm lái thú vị. Nếu phải lựa chọn giữa 2 xe, tôi sẽ lựa chọn chiếc xe rộng rãi hơn, có thể chở được nhiều người hơn: Mitsubishi Xpander. Thế mạnh của mẫu MPV này là thiết kế đẹp, không gian nội thất rộng rãi, khả năng chở 7 người và khả năng cách âm tốt hơn. Đổi lại, Toyota Vios là chiếc xe tiết kiệm xăng hơn, ổn định hơn ở tốc độ cao và có nhiều tính năng an toàn hơn. Dù vậy, chiếc xe nào cũng đều thỏa mãn tốt nhu cầu của khách hàng Việt Nam và doanh số của chúng đã chứng minh điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cầm 600 triệu trong tay, mua MPV hay sedan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO