Cấm bán rượu, bia vào khung giờ “vàng” gây khó doanh nghiệp?

Minh Phượng 03/06/2019 11:00

Chiều 3/6, Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chiều 3/6, Quốc Hội lấy ý kiến về quy định cấm bán rượu bia vào khung giờ từ 8-22h hàng ngàytừ

Chiều 3/6, Quốc Hội lấy ý kiến về quy định cấm bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ từ 22h đêm hôm trước, đến 8 sáng hôm sau.

Tăng nhập lậu

Quy định về giờ bán rượu bia trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được thảo luận tại Quốc hội khóa 7 kỳ họp thứ 14. Theo đó, giờ bán rượu bia được lấy ý kiến với phương án về khung giờ cấm bán rượu bia là chỉ được bán từ 8 - 22h hàng ngày. Khung giờ cấm này không áp dụng với tuyến phố kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. 

Có thể thấy khung giờ cấm bán rượu bia trùng vào khung giờ “vàng” có thể gây bất tiện cho việc tiêu thụ và sử dụng đồ uống có cồn. Từ đó, hạn chế sử dụng rượu bia, góp phần phòng chống tác hại rượu bia. Đây có thể xem là biện pháp mạnh nếu được quy định trong luật.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam (Vra), quy định về cấm hoặc hạn chế giờ bán rượu nên được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi và những tác động đối với ngành du lịch, khách sạn và giải trí, mà ngành công nghiệp đồ uống có đóng góp đáng kể. Theo đó, Vra cho rằng việc cấm bán rượu bia vào khung giờ “vàng”, có thể khuyến khích việc uống một cách vô trách nhiệm hoặc mua nhiều hơn trước khoảng thời gian bị cấm và vì vậy quy định cấm trở nên phản tác dụng.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Còn nhiều quan điểm khác nhau

    18:36, 23/05/2019

  • Mục tiêu cuối cùng của dự án luật phải là "phòng chống tác hại của rượu, bia"

    13:00, 23/05/2019

  • Cấm bán rượu bia trên internet: Không khả thi

    06:16, 16/04/2019

Đồng thời, quy định cấm bán theo giờ nếu được áp dụng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành khách sạn và du lịch, đặc biệt là ở những thành phố, địa phương nơi du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế. Quy định này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với những ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực và giải trí. Việc giám sát thực thi quy định này cũng đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào trong các cơ quan thi hành pháp luật.

Theo đó, Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam cho rằng, quy định cấm cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán khai thác việc kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua, dẫn đến thất thu thuế và sức khỏe người tiêu dùng, các vấn đề xã hội liên quan đến những hành vi trái phép.

Tiêu cực với doanh nghiệp?

Quy định giờ cấm bán rượu bia vào khung giờ “vàng”, Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam cho rằng, này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các chủ DN kinh doanh hợp pháp, gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế. Vì vậy, cần được đánh giá về những hệ lụy đầy đủ và xem xét một cách toàn diện.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những quy định không mang tính khả thi sẽ dẫn đến nhờn luật, vô hiệu hóa quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sợ nhất là rủi ro do quy định không khả thi gây ra, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trên cơ sở ý kiến tại hội trường và văn bản góp ý của các đại biểu, ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra là Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã bàn bạc, thống nhất nhóm nội dung gửi Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trước khi gửi đại biểu biểu quyết chọn phương án. 

Chiều 3/6, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận một số nội dung liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia:

Các hành vi bị nghiêm cấm: Ba nhóm nội dung, phương án hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ được xin ý kiến để đưa trở lại điều 5 dự thảo luật về "Các hành vi bị nghiêm cấm". Đại biểu có thể chọn phương án "bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau" hoặc "không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ".

Khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nêu tại điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật cũng sẽ được Quốc hội lấy ý kiến đại biểu.

Hai phương án để lựa chọn bao gồm: "Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em"; hoặc "quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 19h đến 20h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em".

Quốc hội cũng sẽ lấy ý kiến đại biểu quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (nêu tại khoản 8 điều 5). Các đại biểu sẽ chọn một trong hai phương án là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" hoặc "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn". 

Ở cả 3 nội dung xin ý kiến trên, ngoài hai phương án lựa chọn còn có phần "ý kiến khác" để đại biểu thể hiện chính kiến.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2018, dự kiến thông qua ngày 14/6. Tuy nhiên, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Luật. Nhiều đại biểu đề nghị đưa trở lại dự Luật những chế tài mạnh như quy định bán rượu, bia theo giờ; cấm bán rượu, bia trên Internet...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cấm bán rượu, bia vào khung giờ “vàng” gây khó doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO