Cảm hứng nghệ thuật gắn liền với các sản phẩm hình rồng

Ths NGUYỄN HOÀNG NAM 14/02/2024 11:00

Từ xưa đến nay, con rồng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ấn tượng.

>>Trang trí nhà cửa để “chiêu rước tài lộc” năm Giáp Thìn

Biểu tượng nghệ thuật từ ngàn xưa

Từ thời xưa, rồng là linh vật mang nguồn cảm hứng nghệ thuật rất cao. Trong nghệ thuật phương Đông, rồng được coi là một con vật linh thiêng, biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn và thịnh vượng. Tại Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu trong nước về lịch sử và văn hoá đã chứng minh biểu tượng con rồng có nhiều thay đổi và mang tính kế thừa xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Ngày xưa, rồng thường được chạm khắc trên các công trình kiến trúc quan trọng như cung điện, đền đài, lăng tẩm mang ý nghĩa thể hiện quyền uy của nhà vua, sự thịnh vượng của đất nước và sự bảo vệ của thần linh. Ở một số quốc gia vùng văn hóa Đông Á như Việt Nam, sự sáng tạo nghệ thuật từ hình ảnh con rồng không chỉ mang đến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khác với phương Đông, hình tượng con rồng trong nghệ thuật phương Tây lại mang màu sắc “đen tối”. Rồng được mô tả là những sinh vật hung dữ và nguy hiểm, xây dựng thành hình tượng “phản diện” đối đầu với các anh hùng trong truyền thuyết. Ví như trong thần thoại Hy Lạp, rồng Ladon được đặt canh giữ những quả táo vàng trong khu vườn của nữ thần Hera, Heracles đã phải chiến đấu với Ladon để lấy những quả táo vàng. Hay trong truyền thuyết về một hiệp sĩ Cơ đốc giáo ở More Hall đã giết rồng để bảo vệ sự bình yên cho dân làng vùng Wantley. Sau này, truyền thuyết được Henry Carey viết lời cho vở opera khôi hài mang tên “The Dragon of Wantley” vào năm 1737.

Từ chế tác sản phẩm truyền thống…

Bên cạnh tác phẩm hội họa, hình ảnh loài vật chỉ có trong trí tưởng tượng này còn được thể hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như chế tác đồ đồng, điêu khắc đồ gỗ, tượng đá, trang trí cây cảnh bonsai và làm vật thờ cúng. Với tính sáng tạo của con người và sự phát triển không ngừng của công nghệ, hình ảnh con rồng tiếp tục được thiết kế cách điệu, xử lý đồ họa trong nhiều sản phẩm hữu hình và vô hình.

Nếu ngày trước rồng là biểu tượng đại diện cho sức mạnh và quyền lực của vua chúa thì hình tượng nghệ thuật về con rồng thời nay lại được thổi âm sắc vào các sản phẩm chế tác truyền thống đương thời. Một là chế tác đồ đồng. Hình rồng trên đồ đồng là một biểu tượng trên các sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Người Việt khắc họa hình tượng rồng trên rất nhiều các sản phẩm đồ đồng như hình tượng thuyền rồng trên mặt trống đồng Phú Xuyên, trống đồng Hòa Bình, đồ đồng Đông Sơn như rìu đồng, tượng đồng, lư đồng. Nhìn chung, hình ảnh con rồng được thể hiện với những đường nét mềm mại, uyển chuyển.

Hai là tạo tác đồ gỗ. Hình tượng con rồng trong tạo tác đồ gỗ được thể hiện đa dạng, phong phú, từ những bức tượng rồng lớn đến những món đồ trang trí nhỏ xinh. Đa phần trên thị trường hiện nay, các nghệ nhân thường sử dụng các loại gỗ quý như gỗ hương, gỗ gụ, gỗ nu nghiến,... để tạo tác ra những bức tượng rồng có giá trị cao về mặt nghệ thuật và phong thủy. Ba là mài chế tượng đá. Các nghệ nhân chế tác tượng đá phải dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để thể hiện hình tượng con rồng, như chạm khắc, đục, tiện,… để tạo hình. Tùy theo từng kỹ thuật và phong cách sáng tạo nghệ thuật mà hình tượng con rồng sẽ có những nét đặc trưng riêng.

>>Lưu ý khi chọn người xông đất năm Giáp Thìn

Bốn là chế tác đá phong thuỷ. Trong phong thủy, tượng rồng đá là vật phẩm phong thủy được nhiều người yêu thích. Mang ý nghĩa giúp xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, các tượng rồng đá làm từ đá cẩm thạch, đá ngọc bích, đá mã não,… thường được đặt ở những nơi trang nghiêm, thanh tịnh như phòng thờ hay nơi trang trọng như phòng khách, phòng làm việc. Năm là tạo hình cho cây cảnh bonsai và vật thờ cúng. Trong chế tác cây cảnh bonsai, các nghệ nhân bonsai sẽ sử dụng các kỹ thuật ghép, uốn, tỉa,... để tạo nên những hình tượng con rồng sinh động và độc đáo. Bên cạnh đó, hình rồng còn xuất hiện trong mâm ngũ quả trong dịp Lễ, Tết, mang ý nghĩa cầu mong may mắn, tài lộc và sự thăng tiến trong công danh cho gia chủ. Trong nghi thức cưới hỏi, mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong lễ cưới, tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc và mong muốn về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.

… cho đến biểu tượng trên lá quốc kỳ các quốc gia

Đối với hoạt động đối ngoại hình ảnh con rồng còn là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia. Hình ảnh rồng được lấy làm linh hồn trong quốc kỳ các quốc gia. Theo World Atlas, rồng trên quốc kỳ Bhutan là rồng sấm huyền thoại với bốn chân quắp bốn viên ngọc quý, con rồng màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và lòng trung thành. Tiếp đến là lá cờ của xứ Wales nổi bật với hình tượng một con rồng khổng lồ đỏ rực, tượng trưng cho vua Cadwaladr huyền thoại từng trị vị Wales vào thế kỷ VII. Hay hình rồng trên quốc kỳ của Cộng hòa Malta - Quần đảo nằm tại Địa Trung Hải, trên huân chương chữ thập George mà vua Anh George VI cho nhân dân Malta vì cuộc chiến đấu anh dũng trong Thế chiến thứ hai có vòng tròn chữ "For Gallantry" (cho lòng dũng cảm) bao quanh hình ảnh thánh George cưỡi ngựa giết rồng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Móng vuốt của con rồng Việt Nam” đã sẵn sàng chinh phục kỷ nguyên mới?

    13:38, 12/10/2021

  • Trang trí nhà cửa để “chiêu rước tài lộc” năm Giáp Thìn

    05:00, 08/02/2024

  • Bất động sản Giáp Thìn 2024: "Rã đông" nhà ở vừa túi tiền

    22:48, 07/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cảm hứng nghệ thuật gắn liền với các sản phẩm hình rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO