Cam kết về sở hữu trí tuệ là một trong những nhóm cam kết lớn và phức tạp nhất của CPTPP.
Chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Cho ý kiến về Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Nguyễn Xuân Hòa (Lạng Sơn) thắc mắc tại khoản 4 và 5 Điều 198 Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ khi dùng cụm từ “chi phí hợp lý”. Vậy chúng ta hiểu thế nào là hợp lý?
ĐBQH chưa yên tâm
ĐBQH Dương Ngọc Hải (TP HCM) lý giải về trường hợp này, khi nguyên đơn kiện bị đơn nhưng tòa phán quyết bị đơn không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ có hai vấn đề phát sinh. Thứ nhất, được quyền yêu cầu cơ quan kiện mình thanh toán phí thuê luật sư. Thứ hai, được quyền yêu bồi thường thiệt hại về hành vi lạm dụng sở hữu trí tuệ.
Có thể bạn quan tâm
10:12, 13/05/2019
06:16, 06/05/2019
Bình luận về quyền yêu cầu nguyên đơn thanh toán phí thuê luật sư, theo ông Hải ở đây xử lý không khéo sẽ dẫn đến câu chuyện không minh bạch. Vì chi phí thuê luật sư là bao nhiêu? Ai quy định chi phí thuê luật sư này? Vì với các vụ kiện dân sự hay các vụ kiện lao động, chi phí thuê luật sư thường không rõ ràng, vụ này thuê giá này, vụ khác khác thuê giá khác tùy vào người thuê và thỏa thuận với luật sư.
Ngoài ra, ông Hải còn đặt câu hỏi về hành vi được yêu cầu bồi thường lạm dụng thủ tục sở hữu trí tuệ. Vậy hành vi lạm dụng thủ tục sở hữu trí tuệ là thủ tục gì? Vì có rất nhiều thủ tục liên quan đến sở hữu trí tuệ, nếu không quy định rõ hành vi này thì khi nguyên đơn kiện bị đơn dễ bị quy kết hành vi lạm dụng thủ tục sở hữu trí tuệ một cách tùy tiện.
Còn theo ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre), chúng ta sửa đổi để hội nhập, nhưng phải hết sức thận trọng khi đi vào thực tiễn, vì rất có thể sẽ làm xáo trộn vấn đề sở hữu trí tuệ, mà có thể xuất phát từ những cơ quan đăng ký. Ông Phong nêu ví dụ, một nhà sản xuất đưa ra một mặt hàng về thuốc hay thực phẩm chức năng để làm đẹp cho phụ nữ. Công thức đã có, nhưng đến khi đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền thì rất dễ bị lộ thông tin và doanh nghiệp khác dễ dàng thay đổi đổi công thức để đăng ký sở hữu trí tuệ. “Những vấn đề này ai kiểm soát, ai đánh giá? Đôi khi, người tâm huyết lại chết trên chính sản phẩm của mình”, ông Phong nói.
Cá nhân ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) có đôi điều suy nghĩ về vấn đề xuất xứ địa lý. Ông Nhưỡng đưa ra ví dụ ở Bến Tre có xuất xứ địa lý Bưởi da xanh, doanh nghiệp tại Bến Tre đã đăng ký chỉ dẫn địa lý lại nhập bưởi tại Bình Dương thì sẽ bị vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói bưởi Bến Tre và bưởi Bình Dương cũng là bưởi da xanh thì các nước trong CPTPP có chấp nhận không? Ông Nhưỡng đề nghị ban soạn thảo cần trả lời cho các ĐBQH vấn đề này. “Giả sử việc này xảy ra thì chúng ta có bị xử lý hay không? Và có bị nhìn nhận là không thực hiện đúng hiệp định hay không?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Cảnh báo của VCCI
Trước đó, góp ý về bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cam kết về sở hữu trí tuệ là một trong những nhóm cam kết lớn và phức tạp nhất của CPTPP. Về mặt nội dung, các cam kết về sở hữu trí tuệ thuộc nhóm thể hiện rõ ràng nhất tính chất tiêu chuẩn cao của CPTPP, với các nghĩa vụ ràng buộc các nước thành viên cao hơn đáng kể so với mức của WTO. Và mặc dù CPTPP đã tạm hoãn nhiều cam kết được đánh giá là khó khăn nhất trong TPP trước đây, việc triển khai thực hiện các cam kết khác trong CPTPP cũng là một thách thức lớn với nhiều nước trong CPTPP, trong đó có Việt Nam.
Theo khuyến nghị của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chuyển hóa các cam kết CPTPP vào hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ chung của Việt Nam cần được thực hiện thận trọng, theo hướng tận dụng tối đa các điểm mờ trong lời văn các cam kết để có giải thích theo hướng có lợi nhất cho đa số.
Đối với các cam kết phức tạp, cần xác định các phương án khả thi, qua đó xem xét lựa chọn phương án phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam, cho phép hài hòa lợi ích giữa các chủ thể quyền và chủ thể sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ đồng thời thúc đẩy sáng tạo ở Việt Nam. Đối với các cam kết rõ ràng, cần tuân thủ phù hợp để tránh các phản ứng từ các đối tác.
VCCI lưu ý, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi là số đông, trong đó có các cộng đồng nhạy cảm. Bởi việc gia tăng cơ hội, mức độ và cách thức bảo hộ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm giảm cơ hội và tăng chi phí của các chủ thể sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, người dân… đều là các chủ thể sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có những nhóm nhạy cảm như người bệnh, nông dân; các chủ thể quyền chiếm số lượng rất nhỏ, trong đó đa phần là các chủ thể nước ngoài.
Rà soát của VCCI cho thấy, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Chẳng hạn, một số quy định có nội dung quá cụ thể, dường như vượt cả mức cam kết yêu cầu. Bởi các cam kết trong CPTPP có nội dung khá chung, với lời văn chứa nhiều không gian lựa chọn khi chuyển hóa vào pháp luật nội địa. Trong khi đó một số quy định trong dự thảo lại không tận dụng được các không gian này, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các nhóm người sử dụng sản phẩm ở Việt Nam.