Ký ức vẫn vẹn nguyên sau những đêm trắng lênh đênh trên con tàu nhỏ cùng ngư dân Quảng Ngãi đi săn hải sâm giữa biển Hoàng Sa.
Cuộc mưu sinh nhọc nhằng dưới lòng đại dương, với họ là hạnh phúc. Bởi ngoài miếng cơm manh áo đong đầy máu, mồ hôi và nước mắt là niềm kiêu hãnh tiếp bước cha ông làm cột mốc sống bảo vệ chủ quyền nơi vùng biển đảo thiêng liêng máu thịt của tổ quốc, mà cha ông bao đời nhọc nhằng khai phá.
Niềm tự hào của ngư dân Hoàng Sa
Công việc dưới lòng đại dương Hoàng Sa của họ bắt đầu từ 8 giờ đêm, kéo dài đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Nếu không tận mắt chứng kiến những hiểm nguy rập rình, khó mà hình dung những ngư dân Hoàng Sa kiên cường bám biển để mưu sinh theo bước chân cha ông khai phá mấy trăm nay nay như thế nào.
Thuyền trưởng con tàu 120 CV Nguyễn Thanh, người đưa tôi ra Hoàng Sa bảo rằng, anh cũng như 12 ngư dân trên con tàu bé nhỏ ngày đêm bám biển Hoàng Sa không chỉ là cơm áo, mà đó là niềm tự hào.
Riêng anh đã có hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa. Khi 5 tuổi cha anh đã cho ra biển. Năm 12 tuổi cùng cha lên tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa. Nên vùng biển thiêng liêng của tổ quốc Hoàng Sa đối với anh là máu thịt, như lời anh bảo nếu có chết anh cũng chết ở Hoàng Sa.
Chỉ có sự can trường, tình thương yêu, đùm bọc mới có thể vượt qua những bất trắc hiểm nguy nơi đại dương hoang dại đầy hiểm nguy Hoàng Sa.
Trên con tàu nhỏ 120CV cùng với thuyền trưởng Tuấn là những thanh niên kiên cường. Người trẻ nhất vừa tròn 25 nhưng đã có thâm niên 15 năm lặn bắt hải sâm dưới đáy đại dương Hoàng Sa. Tất cả đều là cháu con của những Hùng binh Hoàng Sa kiên trung hơn 500 năm trước.
Mưu sinh giữa lòng đại dương
Để được xuống lòng biển Hoàng Sa, tôi phải mất hàng chục đêm thực tập. Ngậm ống hơi, mang bộ đồ lặn biển, đeo dây chì nặng gần 5 kg vào thắt lưng, tôi bám theo lão kình ngư Nguyễn Mười lặn xuống lòng biển Hoàng Sa…
Trong ánh đèn điện được nối từ máy phát trên tàu cùng ống dẫn hơi, lòng biển Hoàng Sa hiện ra trong ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn điện được câu nối từ máy phát trên tàu công suất 110W. Cả rặng san hô lung linh đầy sắc màu như một cánh rừng nguyên sinh dưới lòng biển sâu. Theo tay chỉ của lão kình ngư Nguyễn Mười và cái gật đầu ra hiệu, tôi bám theo phía sau, bắt đầu đêm săn bắt hải sâm giữa lòng biển Hoàng Sa.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 08/02/2019
06:09, 08/02/2019
06:00, 08/02/2019
05:07, 08/02/2019
20:40, 07/02/2019
14:57, 07/02/2019
11:48, 07/02/2019
07:23, 07/02/2019
06:02, 07/02/2019
06:00, 07/02/2019
05:00, 07/02/2019
11:00, 06/02/2019
17:40, 05/02/2019
14:07, 05/02/2019
11:17, 05/02/2019
07:00, 05/02/2019
06:30, 05/02/2019
03:00, 05/02/2019
01:00, 05/02/2019
Với lão kình ngư Nguyễn Mười cũng như hàng nghìn ngư dân khác, lòng đại dương Hoàng Sa với họ thân thuộc như sân nhà.
Hằng đêm họ đối mặt với bao hiểm nguy giữa lòng biển bao la. Bất chợt lời tâm sự của lão kình ngư Nguyễn Mười nói trước khi xuống lòng đại dương về cái nghề của mình: “Ngày lên dương gian ngủ; Tối xuống âm phủ làm bạn với hà bá” mới thấu hiểu cuộc mưu sinh cơm áo nhọc nhằn đầy tai ương bất trắc mà họ phải đối mặt.
“Mỗi lần ngậm ống hơi lặn xuống lòng biển, nếu trời yên biển lặng còn dễ chịu. Những hôm trời nổi gió, lạnh thấu xương, lại bị sức ép của nước, nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Nhẹ thì chảy máu lỗ tai, trào máu mũi. Nặng thì bị co cơ, tê liệt sống đời thực vật…”- lão kình ngư Nguyễn Mười kể và chấp nhận hiểm nguy trước khi tôi xin đi cùng xuống lòng đại dương Hoàng Sa.
Mỗi ca lặn xuống lòng biển giữa đêm khuya kéo dài từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Tuỳ độ sâu, và cá, tôm, hải sâm bắt được đầy chiếc túi lưới mang bên mình.
Bám theo chân lão kình ngư Nguyễn Mười, tôi lách qua những rặng san hô mọc ken dày, những con hải sâm béo nung núc nằm ngủ giữa rạn san hô cứ thế nhặt bỏ vào túi lưới mang bên mình.
Gặp những con cá mú đỏ nặng hàng chục kg, người và cá vật nhau giữa lòng biển mới bắt được. Còn khi gặp loài cá dữ, rắn độc thì tránh để bảo toàn mạng sống của mình.
Sau hơn 15 phút lặn xuống lòng biển Hoàng Sa ở độ sâu 10 m nước, tôi cố chịu đựng bám theo Mười. Nhưng ngực tôi bắt đầu tức, khó thở. Hai lỗ tai đau nhức và hai chân gần như không điều khiển được. Bỏ chuyến săn bắt cá, lão kình ngư Nguyễn Mười đưa tôi lên mặt nước.
Nằm trong khoang tàu tôi thấy mùi mặn chát không phải của nước biển. Mà cái mùi mặn ấy thấm tận trong lòng của máu, mồ hôi và nước mắt trong cuộc mưu sinh cơm áo giữa lòng đại dương mênh mông đầy bất trắc Hoàng Sa.
Bất chợt lời tâm sự của lão thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn tâm sự với tôi những đêm trắng nơi biển Hoàng Sa rằng: “Ra Hoàng Sa là đối mặt với hiểm nguy. Biển hào phóng ban tặng cho con người cuộc sống. Nhưng biển cũng lấy cuộc sống của con người. Luật biển rất sòng phẳng và công tâm…”.
Và tôi hiểu, không có bất cứ thước kẻ nào vạch được cái đường biên hình học duy lý trên bề mặt của đại dương biển cả. Chỉ có sự can trường, tình thương yêu, đùm bọc mới có thể vượt qua những bất trắc hiểm nguy nơi mặt đại dương hoang dại đầy hiểm nguy Hoàng Sa.