[CẢM XÚC XUÂN] Hai cô gái hát Ca Trù

HÀ LINH QUÂN 06/02/2024 11:00

Sách viết: “Quan viên - người ngồi nghe hát - thấy chỗ nào hay, cao hứng thưởng tiền bằng cách tung các thẻ tre (gọi là ‘trù’), từ đấy có tên Ca trù”. Ca trù còn có tên khác là hát ả đào, hát cô đầu.

>>CẢM XÚC XUÂN: Xuân về Hải Phòng nghe nét ca Trù

Một buổi hát ca trù thời hiện đại

Một buổi hát ca trù thời hiện đại

Tương truyền Tổ nghề ca trù là Mãn Đường Hoa công chúa, một nhân vật nửa thần linh và ngài Đinh Lễ - người làm ra cây đàn đáy hồi đầu TK 15. Ca trù xuất thân từ nôi tín ngưỡng dân gian (hát “cửa đình” thờ Thành hoàng), về sau được vào cung đình, rồi bác học hóa thành lối hát chơi giải trí cho giới tinh hoa quý tộc, trí thức, bởi sự phối hợp nhuần nhuyễn, đạt đến đỉnh cao của thơ và nhạc.

Dưới thời thuộc Pháp, ca trù phát triển ra ngoài cửa đình, dinh thự để xâm nhập vào đời sống đô thị. Năm 1938, riêng Hà Nôi có 216 nhà hát (“ca quán”) với gần 2.000 “cô đầu”. Ngoài cô đầu hát (“Đào nương”) dần dần có thêm cô đầu hầu rượu, thuốc phiện, mại dâm phục vụ nhu cầu của khách. Thế là ca trù bị lấm bụi trần và mang tiếng xấu, như karaoke có cave bây giờ.

Sau năm 1954, xóm cô đầu bị giải tán, ca trù bị cấm hát ở miền Bắc. Để rồi, thời “Đổi mới” đã minh oan cho ca trù - bản chất là một thú chơi thanh nhã chứ không dung tục, tầm thường như đã từng bị ngộ nhận - trả cho ca trù danh xưng là môn nghệ thuật bác học bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Năm 1980, ca trù lên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và rồi đi ra thế giới nhờ Giáo sư Âm nhạc Trần Văn Khê. Ngày 1/10/2009, ca trù dược UNESCO của LHQ công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

CA TRÙ - TAM TẤU THÍNH PHÒNG VIỆT NAM  

Ca trù không phải là thứ âm nhạc thời thượng trong các games show để làm màu cho cuộc sống. Nó không có những giai điệu bình dân, phục vụ các cuộc huyên náo lang thang ban đêm, nơi ngập tràn những bài hát về sự điên rồ của đàn ông và các nụ hôn của đàn bà.

Ngược lại, đấy là một thứ âm nhạc tao nhã, sang trọng, tinh khiết, cảm xúc chứa chan, không mang lại sự quên lãng mà chạm đến những đam mê. Ca từ là thơ của các danh nhân tài tử (Nguyễn công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà, v.v.) diễn tả cả những cảnh đẹp mộng mơ, non xanh nước biếc, thỏa chí tang bồng đến các nỗi niềm thế sự nhiều khi u buồn như lời thở than của kẻ lưu đầy nhớ về quê hương, gia đình…

Ca trù và thơ là cặp bài trùng

Ca trù và thơ là cặp bài trùng

Ca trù phải có 3 người: Người hát (“Đào nương”) - “Không có Đào nương bất thành ca trù”. Một dạo, nhân vật này bị ngộ nhận như gái làng chơi. Thế nhưng, khởi thủy, Đào nương đi hát luôn có chồng hoặc người thân đi kèm. Trang phục của họ lịch lãm, đoan trang: Quần chùng áo dài, đầu vấn khăn nhung, tóc buộc đuôi gà, cổ đeo kiềng vàng hoặc bạc, mặt điểm nhẹ chút phấn son. Không dùng ngôn ngữ cơ thể, mắt luôn nhìn thẳng, biểu hiện tình cảm bằng tiếng gõ phách, lời ca, vừa đài các, lịch sự vừa dịu dàng, thắm thiết, hút hồn khách bằng nghệ thuật chứ không bằng kiểu lả lơi rẻ tiền. Hát xong đi về, không tự tiện, trực tiếp nhận tiền thưởng của khách (khác với cave bây giờ!).

“Kép” là người chơi đàn đáy, loại nhạc cụ cổ, cần dài, 10 phím cao và 3 sợi dây tơ. Tiếng đàn đáy réo rắt như tiếng lửa rực cháy, thổn thức dưới bầu trời chiều đỏ thắm, bay bổng, ngọt ngào, hòa quyện với giọng hát của đào nương như thể tri âm hội ngộ. Bởi thế, những đào nương nổi tiếng không hát với kép đàn tầm thường bởi sợ phí lời!

Người nghe (“Quan viên”) cầm roi chầu (dùi trống) phải sành điệu, am hiểu âm luật, làm sao tiếng trống khớp với khổ đàn, khổ phách, không lép, lúc bịt lúc buông và không lấn át tiếng hát. Đôi khi quan viên là chính tác giả của những bài thơ dùng làm ca từ. Họ vừa là người thưởng thức vừa là diễn viên. Tiếng trống chầu đẹp, có hồn tạo hưng phấn cho đào nương, kép đàn.

ĐÀO NƯƠNG TÀI SẮC  

Một ngày cuối năm 2023, tôi theo chân cô Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Thị Thu Hằng về đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ ở thị trấn Tiền Hải, Thái Bình, nhân kỷ niệm 165 năm ngày mất của ông.

Báo Nhật viết về chuyến đi biểu diễn của đào nương Thu Hằng

Báo Nhật viết về chuyến đi biểu diễn của đào nương Thu Hằng

Cô Thắm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Cô Hằng là một đào nương nổi tiếng. Hai người bén duyên với nhau vì tình yêu định mệnh với ca trù.

Đi cùng các cô là 10 cháu bé từ lớp 1 đến lớp 5 ở trường cô Thắm, cũng là học sinh lớp ca trù của cô Hằng. Những “ca nương” này gương mặt ngây thơ, cái nhìn dễ thương như chú cún con. Giọng hát vẫn còn non nớt, thế nhưng trong sáng như màu sắc của bầu trời mùa hè.

Tôi hỏi: “Có thích học ca trù không?”. Chúng cười. Nụ cười hồ hởi của đứa trẻ con trong cửa hàng bán thú cưng.

Đào nương Thu Hằng biểu diễn ca trù

Đào nương Thu Hằng biểu diễn ca trù

Đường về Tiền Hải không xa. Hai bên là các cánh đồng đang chờ vào vụ. Những hạt sương muối tươi xinh lấp lánh sáng trên bãi cỏ. Không khí đầy mùi rạ cháy và mùi khoai nướng. Nhiều người nông dân đang chăm sóc khu vườn cảnh, mặc dù cây đào mùa xuân nào cũng ra hoa chẳng cần ai hỏi.

Người Thái Bình đón chúng tôi vừa thân mật vừa trang trọng. Chuyện ấy phải thôi, bởi 2 cô giáo hôm nay mang những làn điệu ca trù cung dâng lên Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, ông quan nhà Nguyễn có công lấn biển lập nên đất Tiền Hải này, đồng thời là người tên tuổi gắn với nghệ thuật ca trù.

Đào nương Nguyễn Thị Thu Hằng (Quê ở làng Đôn, xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương, nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), là người đàn bà mắt to màu nâu, mũi nhỏ, môi dưới có một đường cong dịu dàng như hé mỉm cười, cái cổ thanh mảnh, nước da sáng mờ. Gương mặt cuốn hút dịu dàng nhờ vẻ đẹp bình lặng có nét duyên hoài cổ. Khi đi qua tôi, người cô tỏa ra mùi hương ngọt nhẹ của một cánh hoa sắp tàn. Cô là Nghệ nhân ưu tú từng đoạt 3 huy chương Vàng tại các Liên hoan Ca trù toàn quốc.

Hôm ấy, Đào nương Thu Hằng hát bài “Dâng hương” trong đền. Ca trù có một lối hát hoàn toàn khác biệt với hết thảy các loại hình thanh nhạc. Miệng không há to, ém hơi trong cổ, ậm ự, vậy mà hơi ngân phải rung đổ hột, lời phải tròn vành rõ chữ.

Đào nương Thu Hằng và các học trò của mình

Đào nương Thu Hằng và các học trò của mình

Khi hát, Thu Hằng không chỉ thể hiện ca từ mà mang theo cả tâm sự trong lòng. Có vẻ vừa hát cô vừa ngắm nghía giọng hát chính mình. Đôi mắt của cô lúc như có làn sương mỏng phủ lên, lúc sáng long lanh. Cô để hồn bay theo cùng giọng hát như có chiếc thuyền chở đi. Vừa hát, 10 ngón tay hoa của cô múa phách, khi hối hả, lúc thong dong, tiếng trong tiếng đục. Luyện được khổ phách uyển chuyển, sinh động như thế phải mất rất nhiều công phu.

Dường như giọng hát mê hồn của cô đào nương đã làm cho lòng kiêu hãnh của người đàn ông bùng cháy. Quan viên, Kép đàn như được thăng hoa. Tiếng đàn đáy lúc chân phương khi dìu dặt. Tiếng trống nặng, chắc của người cầm chầu làm cho không khí trong đền thêm phần huyền bí, uy nghiêm.

Từ lúc giọng hát đẹp hiếm thấy đó nâng cao dần lên, lan tỏa khắp không gian đền, đến khi tiếng vọng của những thanh âm dần giãn ra xa, tôi không thể diễn đạt nổi những gì nhìn thấy, nghe thấy. Một thứ tình cảm mơ hồ, vừa thánh thiện vừa dễ chịu tràn ngập tâm hồn, rồi lặng lẽ rời bỏ tôi.

Cô Hằng nói rằng đời cô may mắn được gặp các bậc tiền bối như nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ, như cụ quan viên Hãn “đen”, những người có một tình yêu ca trù mãnh liệt (80 tuổi vẫn đàn, hát): “Họ vật vã với ca trù. Các cụ chỉ lo mất nghề. Khi gặp được bọn hậu sinh, các cụ nở hoa trong ruột” – Đào nương Hằng nói.

“Tiền nhân” đã mất nên không chứng kiến cảnh ngày 28/9/2019 “hậu sinh” Thu Hằng được chính quyền tỉnh Kagawa (Nhật Bản) mời đích danh dự “Liên hoan nghệ thuật giao lưu văn hóa giữa các nước châu Á và Nhật Bản”, trong lễ hội Setouchi trên đảo Awashiwa.

Bảy ngày ở đó “như một giấc mơ”. Đào nương Thu Hằng đã biểu diễn bài ca trù kinh điển “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết” được báo Nhật Bản khen ngợi.

CÔ HIỆU TRƯỞNG CÓ “NGHIỆP” VỚI CA TRÙ 

Năm 2015, cô Nguyễn Thị Thắm về làm hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Cô Thắm đọc sách mới biết: Ngoài tài dẹp loạn, an dân, ông quan triều Nguyễn này còn có công phát triển nghệ thuật ca trù. Chắc hẳn là duyên trời định, cô giáo mê hát đi tìm thầy học ca trù. Và đã mời được đào nương Thu Hằng về trường dạy cho cả cô và trò.

Tối ngày 13/12/2016, cô giáo Thắm tổ chức “Đêm Ca trù tri ân tiền nhân” hoành tráng tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng) nhân kỷ niệm 158 năm ngày mất cụ Nguyễn Công Trứ. Gần 1.000 người(!), ngồi kín sân đình để nghe các đào nương Hà Nội, Hải Phòng và cô, trò trường Nguyễn Công Trứ hát ca trù.

Bọn trẻ hát xong, Nghệ nhân ưu tú Bạch Vân thốt lên: “Ca trù có tương lai rồi!”, còn Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Nguyễn Bình Định thì hy vọng: Cả nước sẽ có nhiều trường như ngôi trường này!

Học sinh Trường Nguyễn Công Trứ hát ca trù

Học sinh Trường Nguyễn Công Trứ hát ca trù

Ông ta không nói xã giao! Việc làm ngẫu hứng của cô giáo Thắm, nảy nòi một đám học sinh đi hát ca trù, vô tình lại như liều thuốc bổ cứu cho giới lãnh đạo văn hóa Việt Nam, bởi thời điểm đó UNESCO đang bắn tín hiệu dọa hủy danh hiệu “Di sản văn hóa” của nghệ thuật hát Ca trù vì không có các hoạt động truyền dạy.

Buổi tối hôm ấy, cô giáo Thắm đã hát bài “Trên vì nước, dưới vì nhà” lời thơ của Nguyễn Công Trứ. Không thể tưởng tượng một cô “Đào ngang” mới học ca trù hơn năm mà hát lại hay như vậy.

Thu Hằng nhận xét: “Thắm hát có màu ca trù!” Bên ngoài cô có nét thô. Thế nhưng bên trong là cả giếng sâu cảm xúc. Vừa cất giọng hát là niềm đam mê đong đầy con mắt, làm nó thẫm lại dịu dàng.

Cô Thắm may có người chồng vừa là đồng nghiệp lại vừa đồng hành với cô trên đường ca trù. Anh làm việc nhà khi cô ngồi hát, đưa cô đi bất cứ đâu cô muốn.

Vốn là nhà giáo nên cô cất công đến các giáo phường ca trù trong nước tầm sư học đạo. Bạch Vân, Đào nương danh tiếng Hà Thành, về tận nhà cô. Thầy trò ngồi hát cả đêm. Những nụ hoa trà dịu dàng hé nở trong những bình gốm men xanh trên bậu cửa sổ. Điều rất quan trọng, nhờ chồng mà cô có tiền để tiêu tốn cho ca trù!

Ngày nay, hầu như chẳng đào nương nào sống được bằng nghề. Cô Hằng cũng phải đi buôn đất cát để nuôi ca trù (đến mức sạt nghiêp). Thắm bị bạn diễu là “hâm” vì cô “vẫn mơ màng với cụ Trứ - một việc không đẻ ra tiền!”, hoặc nhẹ hơn: “thừa năng lượng”, hàm ý là cô “rỗi hơi!”.

Khi nhà nước định chấn hưng văn hóa bằng số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng, có người ngây thơ, thích chuyện thị phi kêu lên: “Cái Thắm nó khôn, đi trước đón đầu!”

Những lời đàm tiếu dấm dúi không làm mắt cô vẩn đục. Cô ơi, đừng buồn! Nếu ai từ bé đến lớn chỉ nghe thợ mộc kéo cưa thì không hiểu được âm nhạc, hiểu được các cô, những người đến với ca trù chỉ vì tình yêu!

Cô Thắm đi đến trường nào là tổ chức dạy ca trù trường đó. Hàng trăm học sinh biết hát ca trù. Lớn lên, nhiều đứa sẽ có nhân cách tốt đẹp, vì từ nhỏ tâm hồn chúng đã được tưới tắm trong những làn điệu vàng son!

Rất nhiều người đã biết nghe ca trù từ các “Canh hát cửa đình” của CLB Ca trù xứ Đông (Cô làm “chủ xị”) tại đình An Biên, Hải Phòng. Một nền âm nhạc không thể tồn tại nếu thiếu người nghe. Cô có công lớn trong việc bảo tồn nghệ thuật ca trù, một vốn quý của ông cha để lại cho dân tộc Việt. Cô chỉ là một giáo viên tiểu học!

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Xuân về Hải Phòng nghe nét ca Trù

    03:04, 03/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[CẢM XÚC XUÂN] Hai cô gái hát Ca Trù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO