Sáng sớm mồng một Tết, năm nào cũng vậy, cô hàng muối quẩy đôi quang gánh khắp dọc khu phố nhỏ rao “Ai muối ơ ơ ơ…”.
Khác với mọi ngày, đôi quang gánh nhẹ hơn, tiếng rao dường như khẽ khọt hơn. Và, cũng rất khác mọi ngày, hình như chỉ đợi cô đến để cho cả khu phố tôi… mua muối!
Nở nụ cười tươi, cô hàng muối đon đả: Chúc mừng năm mới ! Cô bác mua cho em một đồng muối đầu năm lấy tài lấy lộc, mặn mà ấm bếp cả năm nào…!
Thế là mỗi bát cơm đầy muối trắng được bán với giá một nghìn đồng, đắt gấp hai, ba lần ngày thường vẫn được đón mua nồng nhiệt. Chẳng ai mặc cả, khen - chê, mua được muối mang vào nhà sáng sớm Mồng Một là điều tốt lành nhất đầu năm mới rồi.
Sáng Mồng Một năm rồi, cũng như mọi người, tôi ra mua muối đầu năm lấy lộc rồi mới cùng gia đình về quê chúc Tết.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/01/2020
02:39, 25/01/2020
00:00, 25/01/2020
15:00, 24/01/2020
12:00, 24/01/2020
09:01, 24/01/2020
11:00, 23/01/2020
06:00, 23/01/2020
*
Ở quê tôi cũng vậy, có đến vài chiếc xe đạp chở muối rao bán khắp các đường lớn ngõ nhỏ. Người ta rao “Ai mong may mắn giàu sang/Mặn mà mua muối đầu năm, xin mời…”.
Vậy là, mọi hoạt động bán mua được dừng lại nghỉ Tết… trừ bán muối.
Có lẽ tục mua muối đã có từ rất lâu. Muối trở thành thứ hàng hoá tâm linh, văn hoá rất đỗi thân thuộc của người dân khi đón chào năm mới. Câu nói truyền miệng “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chắc không nằm ngoài ý muốn đó.
Thấy nội tôi mang rá ra đầu ngõ khi tiếng rao đến gần, tôi liền chạy theo.
Trước mắt tôi, một cô bé chừng mười lăm mười sáu, phía sau xe buộc chiếc thúng bên trong chỉ còn độ dăm bát muối nhỏ, cô bé phanh xe đánh kít, miệng cười nói: Năm mới chúc bà mạnh khoẻ, sống lâu. Bà mua cho con một nghìn muối lấy may bà nhé?
Rồi nhanh như thoắt sau tiếng ừ của bà, cô bé đã làm xong nhiệm vụ của mình. Thấy cô hoan hỉ lắm, lại chỉ còn vài bát, tôi gạ nội tôi mua nốt để tôi lân la hỏi chuyện.
Cô bé cười: Không sao, em chỉ còn vài bát, một lát nữa là hết thôi mà!
- Em đi bán muối từ mấy giờ sáng?
- Dạ sáu giờ ạ!
- Em bán được bao nhiêu rồi?
- Em mua một yến, bán từ sáng đến giờ còn ngần này.
- Em tính có lãi nhiều không?
- Chắc được gấp ba. Nhưng em đi bán muối là để mang may mắn đến cho mọi người… Và, để mang về cả cái may mắn nữa ạ. Mẹ em bảo, ai đem nhiều niềm vui đến cho mọi người sẽ là người may mắn nhất. Đầu năm dân ta thường mua muối cầu may, nhưng vào dịp Tết, thường ít ai mở quán bán hàng. Thế nên em đã xin mẹ cho đi “bán may mắn” cho mọi người vào ngày đầu năm mới để lấy tiền ủng hộ các bạn nghèo ăn Tết, và để được trở thành người may mắn, được đem may mắn về nhà cho cả gia đình…
Cô bé đạp xe đi khuất, tôi cùng nội cũng đã vào đến nhà.
Nội tôi bưng rá muối vào bếp, tôi nhìn thấy trên khoé mắt già nua của nội ngấn nước. Còn tôi, không còn tâm trạng của người mua muối ở khu phố khi sáng. Cũng không còn cái náo nức như khi chạy theo nội nữa. Tôi thấy chống chếnh sau câu chuyện vô tư hồn nhiên tuổi mười sáu nhưng chất chứa đầy nội tâm và tình nhân ái.
Thì ra, trong vô vàn những tiếng rao "Ai muối ơ ơ ơ…" trên khắp nẻo đường, ngõ phố, làng quê vào ngày đầu năm mới, việc bán buôn thu lãi không còn được coi làm trọng.
Cái được lớn nhất sau câu rao bán là thứ hàng hoá đã trở thành văn hoá của người Việt. Và, cả kẻ bán người mua đều ấp ủ, tâm nguyện có được may mắn và đem may mắn đến cho cuộc đời. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao!
*
Mồng một tết năm nay mưa rào, thiếu tiếng rao "Muối ơ...". Nằm nướng, nhớ tuổi thơ giờ này mang bát ra cổng chờ mua muối lộc. Nhớ bài viết cho báo Tết chắc cũng gần 20 năm rồi.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |