Cần cải thiện sự tham gia của người dân trong công khai ngân sách tỉnh

DIỄM NGỌC 28/09/2022 11:11

PGS.TS.Vũ Sỹ Cường đánh giá, trụ cột sự tham gia của người dân trong công khai ngân sách tỉnh thời gian qua rất hạn chế, cần tiếp tục được cải thiện, trong khi ngân sách là để phục vụ người dân...

>>Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2020: Nhiều cải thiện trong công khai, minh bạch tài liệu

Cải thiện dần đều

Phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm khẳng định, việc thực hiện công khai ngân sách tỉnh theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách 2015 và những văn bản hướng dẫn ngày càng được hoàn thiện hơn. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ theo thời gian.

Toàn cản Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021

Toàn cảnh Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021

“Chỉ số này đã trở nên quen thuộc với ba trụ cột chính, nhằm phản ánh tính công khai ngân sách gồm: Minh bạch về ngân sách; Sự tham gia của người dân; và Trách nhiệm giải trình. Việc minh bạch ngân sách cùng tất cả đặc điểm trụ cột là một tiến trình chung mà nhà nước pháp quyền của Việt Nam đang xây dựng, hội nhập với thế giới, cũng như phù hợp hoàn toàn với một xã hội hiện đại, văn minh, dân chủ. Điều đáng mừng là các chỉ số ngày càng có khuynh hướng cải thiện hơn”, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao tổ chức Oxfarm Việt Nam đánh giá, công khai minh bạch ngân sách là một yêu cầu tất yếu, đảm bảo sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội, qua đó mọi người mới có thông tin để đóng góp ý kiến, giúp cho quá trình sử dụng ngân sách hiệu quả, sát với nhu cầu thực tế và mong đợi của người dân.

“Năm nay cũng là năm đầu tiên chỉ số công khai minh bạch ngân sách cấp tỉnh đo lường trách nhiệm giải trình của các bên liên quan, đặc biệt là của HĐND trong việc giám sát sử dụng ngân sách cấp tỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả POBI được công bố ngày hôm nay tiếp tục công bố thông tin hữu ích, chân thực cho Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh về mức độ công khai minh bạch ngân sách, sự tham gia, trách nhiệm giải trình trong quá trình sử dụng ngân sách cấp tỉnh”, bà Hương bày tỏ.

Tại Lễ Công bố, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia Tài chính công đã công bố kết quả khảo sát năm 2021. Theo đó, phương pháp thực hiện chủ yếu thông qua việc xem xét, đánh giá công khai qua website của các địa phương.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, ngân sách là của người dân, được tạo thành bởi Nhà nước sử dụng công cụ quyền lực để thu gom của cải xã hội, phục vụ cho mục đích chung, do đó phải được công khai minh bạch. Chính vì vậy việc công khai minh bạch có vai trò quan trọng, để người dân tham gia, theo dõi sử dụng ngân sách như thế nào. Để đánh giá công khai minh bạch ngân sách gồm 6 tiêu chí như: Tính sẵn có; Tính kịp thời; Tính đầy đủ; Tính thuận tiện; Tính tin cậy; Tính liên tục.

>>Nghịch lý trong POBI 2018: Thành phố trực thuộc trung ương "lờ" công khai ngân sách

Điểm trung bình tăng cao

Điểm rất tích cực là POBI đã được cải thiện rõ rệt, điểm trung bình chung cao hơn gần 70 điểm, trong khi năm đầu tiên, điểm trung bình chung chỉ đâu đó khoảng 20 điểm, thậm chí có những tỉnh không công khai bất kỳ tài liệu gì. Vì vậy, đây là một thay đổi lớn, đến nay không còn tình trạng các tỉnh không công khai, chỉ là mức độ công khai khác nhau ít hay nhiều.

Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và dẫn đầu cả nước về chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021

Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và dẫn đầu cả nước về chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2021

Kết quả khảo sát POBI cho thấy, nhóm tăng mạnh nhất bao gồm Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh là ba tỉnh có sự tiến bộ vượt bậc so với năm 2020. Cụ thể Quảng Bình đã tăng 45 bậc, Khánh Hòa tăng 42 bậc, Quảng Ninh tăng 39 bậc trên bảng xếp hạng.

Đối với nhóm giảm mạnh nhất bao gồm Ninh Bình, Tây Ninh và Lâm Đồng là ba tỉnh có sự sụt giảm về thứ bậc tương đối mạnh, trong đó Ninh Bình giảm 38 bậc, Tây Ninh giảm 35 bậc, Lâm Đồng giảm 23 bậc so với năm trước đó.

Sự sụt giảm thứ hạng của các tỉnh là do hai nguyên nhân đó là: Thứ nhất, do các tỉnh khác cải thiện điểm tốt hơn. Thứ hai, do bản thân tỉnh đó bị tụt về điểm xếp hạng, ví dụ như Ninh Bình giảm điểm xếp hạng của 4/6 tiêu chí tính điểm, nhất là tiêu chí về tính đầy đủ. Tây Ninh giảm 5/6 tiêu chí nổi bật về tính tin cậy. Riêng Lâm Đồng cả 6/6 tiêu điển hình là tiêu chí về tính sẵn có.

Về điểm theo vùng địa lý thì, hiện Lai Châu xếp thứ nhất tại khu vực Trung du Miền núi phía Bắc; Quảng Ninh dẫn đầu tại Đồng bằng sông Hồng;  Bắc Trung bộ xếp đầu bảng là Quảng Trị; Duyên hải Nam Trung bộ là Khánh Hòa; Tây Nguyên Kon Tum; Đông Nam bộ nhất là Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu là Vĩnh Long. Vĩnh Long cũng là tỉnh duy trì thứ hạng cao liên tục trong nhiều năm còn ở khu vực Nam Trung bộ thì khánh Hòa đã có thay đổi rất tích cực.

Bên cạnh những tỉnh đạt kết quả xuất sắc và tốt thì còn có một số tỉnh chưa tốt lắm, ví dụ như Bình Phước, có điểm rất thấp, địa phương này cũng đã giải trình liên quan đến một số yếu tố kĩ thuật dẫn đến kết quả chưa như mong đợi.

Có thể thấy, điểm trung bình từng vùng năm 2021 tăng rất rõ rệt, nhưng không đồng đều, bởi vì khu vực Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng giảm, còn Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long thì cải thiện.

“Có thể năm 2021 có thách thức nhất định về Covid -19, dẫn đến sự thay đổi về điểm số của một số vùng không lớn. Tôi hy vọng bắt đầu từ năm sau, khi chúng ta đã thoát khỏi Covid-19, các chỉ số sẽ cải thiện nhiều hơn”, vị chuyên gia giải thích.

Tiếp tục phân tích về kết quả khảo sát, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường nhắc đến một hạn chế lớn là sự tham gia của người dân chưa thực sự được cải thiện nhiều, các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện cho người dân tham gia, đa số các tỉnh vẫn đạt điểm dưới trung bình. Điều này cần tiếp tục được cải thiện vì ngân sách là để phục vụ người dân, nên người dân phải có cách thức đóng góp ý kiến vào chỉ số này. Chỉ riêng Đà Nẵng có điểm số cao nhất còn rất nhiều tỉnh thành có điểm số thấp.

Kết luận và khuyến nghị

Từ các kết quả cụ thể trên 6 tiêu chí đánh giá, Chuyên gia Tài chính công Vũ Sỹ Cường đã đưa ra kết luận và khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, về tính sẵn có, kết quả POBI 2021 không có sự cải thiện đáng kể trong việc công khai các tài liệu ngân sách so với năm 2020, thậm chí mức độ sẵn có của một số tài liệu có xu hướng giảm. Do đó các tỉnh cần khắc phục và công khai ngay các tài liệu bắt buộc phải công bố theo đúng quy định của Luật Ngân sách 2015.

Thứ hai, về tính kịp thời đã có sự cải thiện trong việc công khai các tài liệu, nhưng vẫn có một số tài liệu giảm về số lượng tỉnh công bố đúng hạn, đặc biệt là dự thảo dự toán ngân sách năm 2022 trình HĐND tỉnh.

Nhóm nghiên cứu đề nghị các tỉnh đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa, những tỉnh chưa làm tốt cần thực hiện đúng và đầy đủ việc công khai kịp thời thông tin danh sách, tránh tình trạng đi thụt lùi...

Thứ ba, về tính đầy đủ, cơ bản các tỉnh công khai theo mẫu, chỉ có hai tỉnh là Thừa Thiên Huế và Phú Thọ công khai có phần khác mẫu. Mặc dù có sự cải thiện so với năm 2020, nhưng tỉnh công bố tài liệu đầy đủ chưa phải quá bán, trong khi đây là một tiêu chí rất quan trọng.

“Một tồn tại khác là vấn đề công khai dự toán chấp hành và quyết toán các khoản chi đầu tư theo từng lĩnh vực với chi thường xuyên hầu như chưa được cải thiện. Điều này phản ánh thực tế công tác quản lý chi đầu tư còn nhiều hạn chế và giải thích phần nào việc giải ngân đầu tư không đúng kế hoạch của nhiều địa phương”, vị PGS cho biết.

Thứ, về tính thuận tiện đã có sự cải thiện đáng kể và tích cực ở hầu hết các địa phương.

Thứ năm, về tính tin cậy, đã có sự cải thiện trong việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tuy nhiên lĩnh vực y tế và dân số lại có sự thụt lùi so với năm 2020. Việc lập dự toán ngân sách của các tỉnh chưa đảm bảo tin cậy cho quá trình thực hiện thực tế, đặc biệt với dự toán thu ngân sách chỉ có 1 tỉnh có mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán dưới 5 %, trong khi có tới 53 tỉnh có mức chênh lệch trên 15%.

Do đó, việc lên kế hoạch lập dự toán cần được tính toán và xem xét một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, đảm bảo mức chênh lệch giữa số dự toán vào số quyết toán không nhiều hơn quá 5%.

Thứ sáu, về sự tham gia của người dân, số điểm trung bình của 63 tỉnh thành phố là 41,8 điểm, tăng 2,55 điểm so với năm 2020 và 3,78 điểm so với năm 2019. Như vậy có thể thấy sự cải thiện, điểm số trụ cột sự tham gia trong thời gian qua rất hạn chế. Các tỉnh cần chủ động hơn trong việc tiếp nhận và phản hồi câu hỏi thắc mắc của người dân. Đặc biệt, các tỉnh cần có sự rà soát lại việc cung cấp địa chỉ Email liên hệ, cập nhật thư mục hỏi đáp để người dân có thể dễ dàng tham gia đóng góp ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

  • Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2020: Nhiều cải thiện trong công khai, minh bạch tài liệu

    15:00, 03/06/2021

  • Khai trương Cổng Công khai Ngân sách nhà nước

    12:47, 26/08/2020

  • "Ngược đời" chỉ số công khai ngân sách bộ

    10:50, 31/07/2019

  • Nghịch lý trong POBI 2018: Thành phố trực thuộc trung ương "lờ" công khai ngân sách

    11:30, 12/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần cải thiện sự tham gia của người dân trong công khai ngân sách tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO