Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam khuyến nghị chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL cần có chính sách thu hút nhà đầu tư logistics để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đất Chín Rồng.
>>>Giải bài toán phát triển cảng biển và logistics của ĐBSCL
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí địa lý thuận lợi gồm mạng lưới đường thủy dài và chất lượng cao, có khả năng khai thác vận tải hai tuyến đường thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra-vào sông Hậu,...
Bên cạng đó, khu vực ĐBSCL hiện đang được quan tâm và đầu tư phát triển hệ thống logistics, phát huy tiềm năng trung tâm đầu mối xuất khẩu hàng hóa và là cửa ngõ tích hợp nhiều dịch vụ cảng biển tiện ích của vùng.
Thực tế, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, đến năm 2030, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành “Trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp”. Trong Quy hoạch tích hợp ĐBSCL này, bên cạnh việc đầu tư cải thiện đường sá giao thông, hệ thống logistics kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề trọng tâm của ĐBSCL là chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường.
"Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển hệ thống logistics ở BSCL đang gặp phải những khó khăn như thiếu ngân sách đầu tư, chi phí vận tải của doanh nghiệp cao do còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, hệ thống giao thông cảng, đường bộ còn hạn chế,...", ông Lam cho biết.
Những khó khăn trên đã làm tắc nghẽn chuỗi logistics, dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở ĐBSCL phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa, khiến vùng phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.
Đặc biệt, dù có đủ các loại hình vận tải “sông-biển-bộ-hàng không” nhưng hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, tính kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế làm ảnh hưởng khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, 13 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4.39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế.
>>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Áp dụng 28 chữ để định hướng phát triển ĐBSCL
>>>Phát triển ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững
Cùng với đó, lượng vỏ container mà hãng tàu nước ngoài chấp thuận cấp CODE tại các cảng ĐBSCL còn rất hiếm nên phương tiện thủy phải nhận rỗng từ TP. Hồ Chí Minh, tăng chi phí.
Việc vận chuyển hàng hóa nông, hải sản xuất khẩu của vùng chủ yếu là đường bộ và đường thủy nội địa để xếp lên tàu biển, chuyển cảng xuất về Cát Lái, Hiệp Phước, SPITC và các ICD tại Thủ Đức (TP.HCM) và cụm cảng Cái Mép- Thị Vải (TCIT, CMIT, TCTT, SSIT và Gemalink).
Vùng ĐBSCL đang có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn,…
Trước thực tế này, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam khuyến nghị chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL cần có chính sách thu hút nhà đầu tư logistics.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội VASEP) đề xuất: "Các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị với Chính phủ cần thiết lập cảng biển khu vực tầm cỡ tại Cần Thơ để tàu lớn có thể tiếp nhận hàng hóa của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận tải hàng".
Ở góc độ Hiệp hội, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký VLA đề xuất nên phát triển Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL. Hiệp hội sẽ hỗ trợ đề xuất những chính sách, nguồn nhân lực để phát triển logistics, chính sách ưu đãi nhà đầu tư logistics, góp ý cho các cơ quan quản lý địa phương.
Nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận tải hàng hóa lên thành phố Hồ Chí Minh, ông Duy Minh đề xuất doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL nên kết nối vận tải hàng không, vận tải hàng hóa trực tiếp từ Cần Thơ đi nước ngoài.
“Chủ hàng có thể đề xuất với công ty vận tải hàng không để vận chuyển xuất khẩu thủy sản, trái cây trực tiếp từ sân bay Cần Thơ thay vì sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM để giảm bớt chặng đường trung chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 19/03/2022
04:00, 19/03/2022
00:36, 19/03/2022
17:50, 06/03/2022
10:59, 25/02/2022